Hà Nội hiện mới chỉ hoàn thành đầu tư được hơn 132km đường vành đai
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội hiện có bảy tuyến đường Vành đai với năm tuyến chính gồm Vành đai 1, 2, 3, 4, 5; hai tuyến Vành đai hỗ trợ là 2,5 và 3,5 và hiện mới chỉ hoàn thành đầu tư được hơn 132km (khoảng 46%).
Cụ thể, Thành phố Hà Nội đang triển khai đầu tư 20,51km (7,18%), chuẩn bị lập chủ trương đầu tư 83,26km (29,16%) và còn lại 49,43km (17,33%) chưa được nghiên cứu hình thành dự án.
Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A được Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa thể về đích.
Với tuyến Vành đai 1 dài 7,21km, quy mô mặt cắt ngang 50 - 60m hướng tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục gồm 2 đoạn.
Tuy Hà Nội cũng mới đầu tư hoàn thiện được một đoạn dài 4,71km từ Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu và một đoạn đang triển khai dự án đầu tư dài 2,5km là Hoàng Cầu - Voi Phục.
Tuyến Vành đai 2 dài 39km, quy mô mặt cắt ngang 50 - 72,5m. Hướng tuyến phía Bắc sông Hồng: Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân. Hướng tuyến phía Nam sông Hồng đi trùng đường 5 cũ và đường 5 kéo dài (từ cầu Vĩnh Tuy - cầu Nhật Tân) gồm 5 đoạn.
Hiện 3 đoạn đã đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch dài 31,96km gồm đoạn phía Bắc sông Hồng dài 16km (đi trùng với đường 5 cũ và đường 5 kéo dài), đoạn cầu Nhật Tân - Cầu Giấy dài 10,21km (bao gồm cả cầu Nhật Tân và đường dẫn), đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng dài 2,25km.
Một đoạn đã hình thành tuyến nhưng chưa mở rộng theo quy hoạch tương ứng với đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đi trùng với đường Láng hiện có. Một đoạn đang triển khai thi công mở rộng hoàn thiện theo quy hoạch là đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.
Trong đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài 3,5km đang đầu tư bằng vốn đầu tư công; đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang triển khai đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BT.
Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A được Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.
Tuyến đường BT này có chiều dài khoảng 2,1km với mặt cắt đường 40m, ban đầu tổng mức đầu tư được xác định chỉ là 688,6 tỷ đồng nhưng đến năm 2012 được điều chỉnh là hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Đường Vành đai 3 chiều dài 68km, quy mô mặt cắt ngang 50 -120m. Hướng tuyến: Nam Thăng Long - Mai Dịch - Pháp vân - Cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đồng Xuân và nối vào đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thành vành đai khép kín với 2 đoạn.
Hiện 1 đoạn đã đầu tư hình thành được 54/68km, tương ứng với đoạn Nội Bài - Bắc Thăng Long - Nam Thăng Long - Linh Đàm - Việt Hùng.
Còn lại 1 đoạn có chiều dài 14km tương ứng với đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài chưa được đầu tư hình thành tuyến để khép kín tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch.
Tuyến Vành đai 3,5 dài 45,64km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40 - 80m, đã đầu tư hình thành theo quy hoạch 9,5km.
Một đoạn đang được triển khai đầu tư theo quy hoạch dài 5,5km từ QL32 - Đại lộ Thăng Long, 5 đoạn đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dài 25,6km và một đoạn chưa được nghiên cứu dự án dài 5,58km là đoạn nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên.
Tuyến Vành đai 4 đoạn qua địa phận TP.Hà Nội dài khoảng 54km quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên trong đó, mặt cắt ngang 120m đang được Hà Nội chuẩn bị để kịp trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2022.
Với tuyến Vành đai 5, đoạn đi qua Hà Nội không liên tục gồm: Đoạn 1 đi qua thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất; đoạn 2 đi qua huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa.
Hiện đoạn 1 đi qua Thị xã Sơn Tây có chiều dài 39,5km đã hình thành được 22/39,5km. Còn lại đoạn từ đường 32 (Sơn Tây) đến đường Hồ Chí Minh chưa được đầu tư hình thành để kết nối. Đoạn 2 đi qua huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa chưa được đầu tư.