Hà Nội hỗ trợ 80 lần lương cơ sở với SV xuất sắc: ngăn 'chạy chọt, xin cho'
Theo chuyên gia, chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ ngăn ngừa 'chạy chọt, xin cho', không đánh mất cơ hội đối với nhân tài.
Liên quan đến việc Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thì chính sách hỗ trợ 80 lần mức lương cơ sở (tương đương 120 triệu đồng) đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và công nghệ thông tin rất thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bên cạnh chế độ đãi ngộ thì cũng có những tiêu chí về thành tích học tập, thời gian gắn bó với đơn vị sau khi được cử đi học cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã có những chia sẻ xoay quanh chính sách trên.
Yêu cầu thời gian công tác và tiêu chuẩn là phù hợp
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Oanh (nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học sư phạm Hà Nội), việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc là khá tốt đối với sinh viên mới ra trường.
Trong các ngành mà Hà Nội đang nhắm đến thì chế độ đãi ngộ đối với giáo viên vẫn chưa tốt nên chưa thu hút được nhiều, bởi vậy nếu chúng ta có lương thưởng tốt thì sẽ có được nhiều nhân tài.
Đối với tiêu chí sinh viên tốt nghiệp xuất sắc phải đạt giải trong nước hoặc quốc tế khi còn học phổ thông, đại học, thì Phó giáo sư Oanh cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là ở giai đoạn học tập tại trường đại học.
"Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nên là những người ở trường đại học có tiếng tăm", Phó giáo sư Oanh chia sẻ.
Giải thích thêm về quan điểm trên, Phó giáo sư Oanh cho rằng, nếu một sinh viên học tại trường đại học lớn và ra trường với tấm bằng xuất sắc thì chắc chắn họ có năng lực, trong khi đó nếu người có học hàm tiến sĩ mà chỉ có bằng tốt nghiệp đại học trung bình thì năng lực vốn có rất bình thường.
Với ràng buộc 5 năm với người về công tác tại Hà Nội sau khi được cử đi học, Phó giáo sư Đặng Thị Oanh cho rằng đây là khoảng thời gian phù hợp, để cống hiến cho cơ quan đơn vị tuyển dụng.
"Nếu ràng buộc 10 năm đối với người được tuyển dụng thì đây là quãng thời gian khá dài, không hợp lý như 5 năm", phó giáo sư Đặng Thị Oanh nhận định.
Học phổ thông mà không tốt thì giống như học "lỏi"
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính (nguyên phó hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Thái Nguyên) cho rằng, mức hỗ trợ 120 triệu đồng là chính sách tốt để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về công tác tại Hà Nội.
Đối với những yêu cầu về thành tích với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đại học, Phó giáo sư Tính cho rằng, tiêu chuẩn này sẽ mang tính toàn diện hơn đối với đối tượng được tuyển dụng.
"Cái gốc kiến thức phổ thông rất quan trọng, nó sẽ tạo đà cho việc học đại học tốt, và đây là kết quả thực.
Thực tế, có nhiều em học ở đại học có kết quả tốt nhưng kết quả khi còn học phổ thông chưa thực sự chắc chắn, giống như "học lỏi". Vì vậy, nếu ở lĩnh vực giáo dục mà tuyển giáo viên giỏi toàn diện như vậy rất tốt", Phó giáo sư Tính cho hay.
Tuy nhiên, nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên cho rằng, về yêu cầu người được tuyển chọn đi học và sau đó phải gắn bó với đơn vị 5 năm, thì đây là khoảng thời gian hơi ít, nên là 10 năm mới đủ, bởi đơn vị đã mất công tạo nguồn cán bộ.
Ngăn "chạy chọt, xin cho", tránh đánh mất nhân tài
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, chính sách trên nhằm khuyến khích những sinh viên xuất sắc, đồng thời là cách để thu hút nhân tài để phục vụ cho những ngành có nhu cầu.
Bên cạnh đó, việc thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc cũng có thể ngăn chặn việc "cơ cấu, chạy chọt" vào trong bộ máy nhà nước, đánh mất nhân tài thực sự.
"Việc Hà Nội hỗ trợ 120 triệu đồng cho sinh viên xuất sắc về công tác, là một khoản tiền hấp dẫn để thu hút nhân tài, tôi đồng tình với chủ trương này. Nhân tố con người rất là quan trọng nên việc thu hút nhân tài cũng đúng thôi", Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
Còn về những tiêu chuẩn đối với các sinh viên xuất sắc thì thầy Nhĩ cho rằng đó là yêu cầu cần thiết, để xem quá khứ, quá trình của sinh viên từng học tập. Qua quá trình đó để đánh giá người học.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ủng hộ quan điểm việc Hà Nội đưa ra quy định yêu cầu gắn bó với đơn vị 5 năm.
Bình luận thêm về sự việc trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, chính sách thu hút nhân tài là rất phù hợp đối với Hà Nội nhưng phải tuyển đúng mục đích, chứ không phải tuyển danh nghĩa, hình thức.
"Đối với những tiêu chuẩn mà Hà Nội đặt ra thì cũng là tiêu chí phụ, tiêu chí chính là đánh giá bằng năng lực thật sự của người đó như nào", Tiến sĩ Khuyến nhận định.