Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố:Nhân rộng những kinh nghiệm quý

Với quyết tâm chính trị cao, phương pháp tổ chức linh hoạt và cách làm sáng tạo, Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố.

Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình hơn một thập kỷ nỗ lực không ngừng của Thủ đô, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển mới trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại và bền vững.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Quang Minh. Ảnh: Quang Thái

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Quang Minh. Ảnh: Quang Thái

Quyết sách đúng và sự đồng thuận của nhân dân

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, Hà Nội gặp không ít thách thức do đặc thù địa bàn rộng, dân số đông, nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về hạ tầng, sản xuất và đời sống dân sinh. Sau hơn một thập kỷ nỗ lực, đến nay khu vực nông thôn Hà Nội như được “thay áo mới” với rất nhiều thành tựu, cả về diện mạo lẫn đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, ngay từ đầu, Thành ủy Hà Nội đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ. Hai chương trình công tác số 02-CT/TU và 04-CT/TU của Thành ủy qua các giai đoạn đã đặt nền móng vững chắc cho toàn bộ quá trình triển khai. Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố với người đứng đầu là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sau này là Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm Trưởng ban. Cách tổ chức này cho thấy rõ vai trò “đứng mũi chịu sào” từ cấp cao nhất.

Công tác điều hành được triển khai bài bản, có giao ban định kỳ, kiểm tra sát sao và đặc biệt là phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Trong giai đoạn 2010-2020, Ban Chỉ đạo đã tổ chức hơn 55 cuộc kiểm tra thực tế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Bước sang giai đoạn 2021-2025, các kế hoạch cụ thể hằng năm được giao kèm theo chỉ tiêu, nguồn lực rõ ràng, giúp từng huyện, từng xã chủ động thực hiện.

Một trong những kinh nghiệm nổi bật nhất của Hà Nội là huy động sức dân đúng cách. Thay vì bao cấp, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình. Từ chỗ coi xây dựng nông thôn mới là việc của Nhà nước, người dân dần chủ động đóng góp bằng nhiều hình thức như tiền mặt, hiến đất, hiện vật, ngày công lao động…, với tổng giá trị trên 20 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội không chỉ làm tốt vai trò chỉ đạo vĩ mô, mà còn đầu tư mạnh cho đào tạo, tập huấn cán bộ cơ sở. Phương châm “dắt tay chỉ việc” được thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, thành phố tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, từ huyện đến cơ sở, nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình. Nhiều mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội cũng là những kinh nghiệm đáng chú ý, như: Mô hình “Chi hội phụ nữ xây dựng nông thôn mới gắn với tài chính vi mô”; mô hình “Nông dân đi đầu trong xây dựng nông thôn mới”; các điểm sáng trong dồn điền đổi thửa, cải tạo hạ tầng nông thôn…

Nền tảng để xây dựng nông thôn hiện đại

Đường giao thông khang trang, sạch đẹp tại xã Đan Phượng.

Đường giao thông khang trang, sạch đẹp tại xã Đan Phượng.

Việc Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố không phải là điểm kết thúc mà là điểm khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới. Cùng với cả nước, khi Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các xã được sắp xếp lại để vận hành hiệu lực, hiệu quả cao hơn, việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới cũng cần có hướng đi thích ứng với điều kiện mới.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, Thủ đô và đất nước đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, đưa nước ta tiếp tục tiến nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Giai đoạn tới, thành phố tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững gắn với khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của làng nghề truyền thống địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn xây dựng nông thôn mới với đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh; tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về điển hình tiên tiến, kinh nghiệm, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; kịp thời phê phán, định hướng khắc phục hạn chế, yếu kém đối với những cơ sở triển khai thực hiện còn thụ động, kém hiệu quả. Từ bài học thành công trong xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hướng tới mục tiêu cao hơn, kiến tạo những vùng nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, trở thành động lực phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn trong tương lai.

Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa.. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-hoan-thanh-xay-dung-nong-thon-moi-cap-thanh-pho-nhan-rong-nhung-kinh-nghiem-quy-707968.html