Hà Nội khơi thông nguồn lực thu hút FDI
Đến hết tháng 9-2024, Hà Nội đã thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, tăng thêm 200 triệu USD so với quý II. Kết quả này là minh chứng cho sức hút đầu tư của thành phố, đồng thời cho thấy những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị Thủ đô trong việc khai mở nguồn lực, hoàn thiện chính sách, tạo nền tảng vững chắc hướng tới hoàn thành mục tiêu thu hút FDI năm 2024.
Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI từ đầu năm 2024 đến nay chủ yếu đổ vào các tỉnh, thành phố có lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định, cùng với nỗ lực mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư.
Nổi bật trong số đó, Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu, khẳng định vai trò tiên phong trong thu hút FDI của cả nước. Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”, rất nhiều chuyên gia nhận định, sở dĩ Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong thu hút FDI không chỉ nhờ lợi thế sẵn có mà còn nhờ chiến lược đổi mới liên tục trong công tác xúc tiến đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính.
Lợi thế của Thủ đô để thu hút đầu tư FDI
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong các chỉ số kinh tế của cả nước. Dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số, nhưng Hà Nội đóng góp đến 16% GDP quốc gia, thu ngân sách đạt 18,5% và 20% thu nội địa. Điều này khẳng định vị trí của Hà Nội là trung tâm kinh tế, giao dịch quốc tế và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
“Hà Nội có vai trò trọng yếu quốc gia, không chỉ là Thủ đô chính trị - hành chính, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Ngoài thế mạnh kinh tế, Hà Nội cũng nắm giữ vị trí đầu mối giao thông chiến lược với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế.
Sự chuyển dịch của Hà Nội hướng tới thành phố xanh, sạch, thông minh và hiện đại đang mở ra triển vọng lớn; nếu thành công, Thủ đô sẽ tiếp tục củng cố vai trò đầu tàu, là điểm sáng phát triển trong khu vực và cả nước.
Theo ông Phương, du lịch đang khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội, đưa Thủ đô vào top 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong số các điểm đến phổ biến toàn cầu. Trong năm 2023, Hà Nội đón tới 24 triệu lượt khách, gồm 20 triệu khách nội địa và 4 triệu khách quốc tế tạo nên sức hấp dẫn lớn cho Thủ đô.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Hà Nội đóng góp gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, xếp hạng 8 trong số 63 tỉnh, thành, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đối ngoại.
Bên cạnh đó, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của thành phố, ngoài 9 khu công nghiệp đang hoạt động trên tổng diện tích 1.670,6 ha thì còn 3 khu công nghiệp khác với diện tích 663,4 ha đang triển khai xây dựng hạ tầng.
Hà Nội cũng ghi nhận sự thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài với khoảng 4.500 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 33 tỷ USD. Đặc biệt, Thủ đô có tới 1.350 làng nghề, trong đó 313 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống, khẳng định giá trị văn hóa, kinh tế và bền vững của thành phố.
Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, TS Nguyễn Đức Kiên hoàn toàn đồng tình với nhận định về tiềm năng của Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh các lợi thế vượt trội mà thành phố đang nắm giữ về địa lý, nguồn nhân lực và cải cách hành chính.
Ông nhận định: “Hà Nội là một trong năm địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI suốt nhiều năm qua và tiên phong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nội địa có thể đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp FDI tại Hà Nội đã tăng trưởng mạnh mẽ”.
TS Nguyễn Đức Kiên còn nhấn mạnh đến tinh thần tự lực, tự cường đặc trưng của Hà Nội : "Ít địa phương nào có khả năng ứng phó linh hoạt với thiên tai hay các khó khăn như Hà Nội. Đặc biệt, Thủ đô còn thu hút phần lớn lực lượng lao động trẻ và 2/3 số trí thức cả nước, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài”.
Cải thiện môi trường, hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, môi trường đầu tư là yếu tố then chốt. Hà Nội hiện sở hữu nền tảng pháp lý minh bạch và thuận lợi nhờ các Nghị quyết quan trọng từ Bộ Chính trị, đặc biệt là Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo bước đột phá với hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp và phân quyền, chính thức áp dụng từ đầu năm 2025, trong đó đáng chú ý là cơ chế cho phép thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới khoa học và thương mại hóa sản phẩm công nghệ.
TS Nguyễn Minh Phong tin rằng, nếu Quỹ này được thiết kế quy mô và vận hành chuyên nghiệp, sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ để Hà Nội phát triển kinh tế tri thức, đồng thời lan tỏa đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, quyền hạn quyết định đầu tư các dự án lớn cũng được giao về địa phương, tạo cho Hà Nội sức mạnh vượt trội trong việc triển khai các dự án trọng điểm, với điều kiện không tăng nguồn vốn từ ngân sách trung ương hoặc các khoản vay nước ngoài.
Với tinh thần “trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”, Hà Nội đã thể hiện quyết tâm qua việc phân công rõ trách nhiệm, minh bạch hiệu quả và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng như chuyển đổi số, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, và tăng cường chuyển đổi xanh. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp Thủ đô phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Những cơ chế mới và quyết tâm mạnh mẽ đã khơi dậy niềm tin trong mỗi người dân Thủ đô và cả nước, đặt kỳ vọng lớn vào tương lai Hà Nội sẽ phát triển theo “tầm nhìn mới - tư duy mới”, trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là trung tâm của nền kinh tế, văn hóa, giáo dục và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) lại cho rằng, Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Bắc Bộ và thuộc vùng Thủ đô nên cần tận dụng lợi thế này.
Dẫn chứng về điều này, ông Toàn chỉ rõ: “Hà Nội là địa bàn được Chính phủ chọn để đặt Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới Công nghệ Quốc gia, cùng với các trung tâm nghiên cứu, phát triển của nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế. Các tập đoàn công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, đặt kỳ vọng lớn vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, coi đây là những địa phương đầu tàu. Ông Toàn tin tưởng rằng, với tiềm năng sẵn có, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ nếu biết khai thác đúng hướng”.
Theo quy hoạch đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, sông Hồng sẽ là trục cảnh quan trung tâm trong năm trục không gian phát triển Thủ đô, giúp Hà Nội mở rộng, phát triển đều khắp. Ông Toàn kỳ vọng, chính quyền Hà Nội sẽ xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, và các viện nghiên cứu, tạo điều kiện cho các ngành công nghệ cao phát triển bền vững.
Hà Nội đã có những bước tiến vững chắc trong việc thu hút FDI, đóng góp vào phát triển kinh tế không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước. Thành tựu này không chỉ là thành quả của tầm nhìn và chiến lược bài bản, mà còn là sự quyết tâm, linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách của Hà Nội trước tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp.
Với các chính sách thông thoáng, cam kết hỗ trợ nhà đầu tư, và quyết tâm phát triển bền vững, Hà Nội đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ đầu tư thế giới. Những nền tảng đang được xây dựng hôm nay sẽ giúp Thủ đô tiếp tục phát triển vững mạnh, thu hút ngày càng nhiều dòng vốn FDI, và góp phần kiến tạo một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng trong tương lai.