Hà Nội là đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu theo Kết luận số 80-KL/TW

Theo đại biểu Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hồ sơ dự thảo Luật chuẩn bị rất công phu, đầy đủ

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) đánh giá, hồ sơ Dự thảo Luật chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị "về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đặc biệt là Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị "về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065".

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) đánh giá, hồ sơ Dự thảo Luật chuẩn bị rất công phu, đầy đủ

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) đánh giá, hồ sơ Dự thảo Luật chuẩn bị rất công phu, đầy đủ

Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.

Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng, phải chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Dự thảo Luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị.

Ủng hộ Thủ đô có những cơ chế đặc thù nhưng cần rà soát chặt chẽ

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời góp ý nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật như về xây dựng, quản lý Thủ đô, thẩm quyền của HĐND, phát triển công nghiệp văn hóa…

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) thảo luận tại hội trường

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) thảo luận tại hội trường

Về xây dựng, quản lý Thủ đô, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Tuy nhiên, với quy định viên chức làm của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc đối với quy định này. Bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô cần xác định rõ, phân công hợp lý.

Về mở rộng lĩnh vực HĐND TP được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng, đại biểu Phạm Văn Hòa cơ bản thống nhất với hướng quy định này. Đồng thời đề nghị HĐND TP xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng...

Phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô

Tham gia ý kiến, đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang) bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong Dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, hoàn thiện các biện pháp đặc thù để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về UBND TP Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang) bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong Dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang) bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong Dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội

Đại biểu Lý Thị Lan bày tỏ tán thành với các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho UBND TP Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô.

Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.

Đồng tình cao với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thể để phát triển. Trong đó, nổi bật là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của thành phố hỗ trợ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Cho phép nhà đầu tư sản xuất sản phẩm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; quy định đặc thù về xác nhận tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…

Ngoài ra, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng Luật Thủ đô cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-la-do-thi-dac-biet-dap-ung-yeu-cau-theo-ket-luan-so-80-kl-tw.html