Hà Nội tăng hàng chục nghìn học sinh đầu cấp, trường lớp sẽ ra sao?

Sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội luôn là vấn đề 'nóng', được dư luận xã hội quan tâm, nhất là vào thời điểm tuyển sinh đầu cấp.

Theo kế hoạch dự kiến, năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp để tuyển trẻ 5 tuổi vào trường mầm non, tuyển học sinh lớp 1 vào trường tiểu học và tuyển học sinh lớp 6 vào trường THCS.

Thời gian tuyển sinh dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2023. Theo đó, tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1 đến ngày 9/7.

Cụ thể, thời gian tuyển sinh học sinh vào lớp 1 từ ngày 1/7 đến hết ngày 3/7; tuyển sinh trẻ 5 tuổi từ ngày 4/7 đến hết ngày 6/7; tuyển sinh học sinh vào lớp 6 từ ngày 7/7 đến hết ngày 9/7.

Phụ huynh học sinh cũng có thể đến trường trực tiếp nộp hồ sơ, thời gian từ ngày 13/7 đến hết ngày 18/7/2023.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, năm học này, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022-2023.

Trong đó, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 6 tăng khoảng 38.800 em; số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em.

Số lượng học sinh lớp 9 dự kiến tham gia xét công nhận tốt nghiệp THPT để dự tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 là hơn 129.000 học sinh, tương đương với năm học trước.

Tuy nhiên, theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, số học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập là 72.000 học sinh, tăng 1.000 học sinh so với năm học trước.

Với số lượng học sinh vào các lớp đầu cấp năm nay tăng đột biến, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, quá tải sĩ số sẽ tiếp tục tái diễn trong năm học 2023-2024 tới đây.

Chị Đinh Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phụ huynh có con năm nay lên lớp 6 bày tỏ băn khoăn về chất lượng giáo dục khi năm nay học sinh lớp 6 tăng chóng mặt. Theo tìm hiểu tỉ lệ số học sinh/lớp, chị Nga nhẩm tính, năm học tới đây thành phố sẽ phải có thêm hơn 1.000 phòng học bậc THCS mới có thể đáp ứng được nhu cầu.

Số lượng học sinh liên tục tăng nhanh theo từng năm trong khi số trường lớp vẫn không có sự thay đổi nhiều, thế nên, điều chị Nga lo lắng nhất thời điểm này là chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông có bị ảnh hưởng. “Tôi cũng tính toán tìm phương án dự phòng cho con học trường tư nếu lớp 6 tới đây quá tải sĩ số. Tuy nhiên, học phí trường tư cũng là điều khiến vợ chồng tôi đau đầu”, chị Nga cho hay.

Sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là vào thời điểm tuyển sinh đầu cấp.

Sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là vào thời điểm tuyển sinh đầu cấp.

Giải pháp để giãn sĩ số trong những năm tới không có gì khác ngoài việc rà soát, dự báo số lượng học sinh tăng để có kế hoạch xây mới và sửa chữa các trường học, phòng học, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển để phụ huynh thêm sự lựa chọn.

Được biết, quận Nam Từ Liêm năm nay tăng khoảng 3.351 học sinh vào lớp 6. Để tránh quá tải, quận nhanh chóng xây dựng thêm 4 trường học ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS.

Tại quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận cho biết, để chuẩn bị trường, lớp cho năm học mới, đặc biệt với lớp 6, Hà Đông hoàn thành xây dựng thêm 7 khu nhà tại các trường THCS, đảm bảo sĩ số trung bình dưới 45 em/lớp với bậc THCS và khoảng 49 em/lớp ở cấp tiểu học.

Lý giải nguyên nhân số lượng học sinh tăng chóng mặt hằng năm dẫn tới tình trạng quá tải sĩ số lớp, tỉ lệ học sinh vào lớp 10 công lập ngày càng giảm, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, Hà Nội hiện nay tăng dân số rất nhanh. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, trong đó cả cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục chưa đáp ứng được.

PGS.TS Bùi Thị An cũng cho biết, TP Hà Nội đang trình Quốc hội đề nghị sửa Luật Thủ đô, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bà An tin rằng, khi Luật Thủ đô được sửa đổi thì trong tương lai cơ sở hạ tầng về giáo dục sẽ được giải quyết.

Trong điều kiện như hiện nay, để giải quyết bài toán tình thế, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị: “Các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội quan tâm, tạo điều kiện để các gia đình khó khăn vẫn có đủ điều kiện cho con em đến trường”.

Sở GDĐT Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch và hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2023-2024 để sớm ban hành. Chủ trương của toàn ngành là đáp ứng đủ nguyện vọng học tập của học sinh.

Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các nhà trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; chủ động tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường nguồn lực xây dựng bổ sung phòng học và trường học; cải tạo, mở rộng các trường học hiện có...

Sở cũng yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra điều kiện tuyển sinh của các trường mầm non, tiểu học THCS thuộc phân cấp quản lý; tổ chức phân tuyến phù hợp để bảo đảm đủ chỗ học, tránh quá tải cục bộ.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-tang-hang-chuc-nghin-hoc-sinh-dau-cap-truong-lop-se-ra-sao-5713034.html