Hà Nội thông qua quy hoạch Thủ đô với 3 thành phố trực thuộc

Sáng 29/3, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội do Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trình bày: Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết mang tính chiến lược.

Quy hoạch nêu rõ, Hà Nội sẽ trở thành rung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...

 Hà Nội thông qua quy hoạch Thủ đô với 3 thành phố trực thuộc.

Hà Nội thông qua quy hoạch Thủ đô với 3 thành phố trực thuộc.

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13 - 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80 - 85% vào năm 2050.

Dự báo biến động dân số: Dân số thường trú đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người.

Quy hoạch Thủ đô cũng xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.

Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Quy hoạch cũng nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.

Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Quy hoạch cũng nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển với 6 yếu tố cốt lõi: Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho tương lai; nơi đáng sống (người dân hạnh phúc, cộng đồng vững mạnh, môi trường sống an toàn, lành mạnh); thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; kết nối toàn cầu; đô thị 15 phút.

Trong đó, thành phố phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), khai thác trọng tâm sân bay quốc tế Nội Bài, trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài, gắn với bảo vệ và phát huy hệ thống mặt nước sông Hồng, sông Thiếp, sông Cà Lồ, các di sản khu di tích Cổ Loa, di tích hiện có trên địa bàn.

Thành phố phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) được xác định là đô thị đại học; trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia với Khu công nghệ cao Hòa Lạc là hạt nhân. Xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, với các dịch vụ, tiện ích công cộng hiện đại, chất lượng cao với khu vực Sơn Tây là hạt nhân, tạo môi trường hấp dẫn thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, có chính sách hỗ trợ đặc thù thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến sinh sống làm việc…

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ha-noi-thong-qua-quy-hoach-thu-do-voi-3-thanh-pho-truc-thuoc-d47319.html