Hà Nội: Thực phẩm tươi sống dồi dào, rau xanh giảm giá
Ngày 15-9, ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các mặt hàng thực phẩm dồi dào, nhất là rau xanh giá đã giảm sau những ngày mưa lớn vừa qua.
Nhìn chung, mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh tại các chợ: Nam Trung Yên, Trung Văn, Thành Công, Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ... đã trở về gần mức giá những ngày thường, không còn tăng mạnh như những ngày bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.
Cụ thể, giá rau muống đã giảm xuống còn 18.000-20.000 đồng/mớ; bí xanh giảm 10.000 đồng còn 30.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền giảm từ 5.000-7.000 đồng còn 13.000-15.000 đồng/mớ; bắp cải từ 45.000 đồng/kg xuống còn 27.000-30.000 đồng; cà chua từ 55.000 đồng/kg xuống còn 30.000-35.000 đồng/kg; mùng tơi từ 20.000 đồng/mớ xuống còn 15.000 đồng/mớ. Đặc biệt là các loại rau gia vị từ chỗ khá đắt, từ 10.000-15.000 đồng/mớ nay xuống còn 5.000-8.000 đồng/mớ.
Giá thịt lợn khoảng 140.000-160.000 đồng/kg, trong đó, sườn sụn 180.000 đồng/kg; thịt nạc vai, thịt thăn, sườn thăn từ 130.000-150.000 đồng/kg; giá thịt bò từ 280.000-320.000 đồng/kg; trứng gà 32.000-40.000 đồng/10 quả.
Bà Nguyễn Thị Yến, chủ cửa hàng rau ở chợ Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân) cho biết, mưa bão đã đi qua, nước rút giúp giao thông đi lại dễ dàng hơn nên vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội được thuận lợi. Nhờ đó, giá rau xanh, thực phẩm không còn tăng mạnh mà đang dần trở lại bình thường.
“Dù giá rau xanh đã giảm so với những ngày trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với ngày thường nên tôi cũng không nhập nhiều về bán, vì phải bán giá đắt hơn cho toàn khách quen cũng cảm thấy không thoải mái”, bà Yến thông tin.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ, như: Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy)... các ki ốt tại chợ trước nghỉ bán nay đã hoạt động lại bình thường, các sạp hàng thịt, hàng rau xanh, gia cầm, thủy hải sản bày bán đa dạng. Giá các mặt hàng tại chợ không còn tăng so với mấy hôm trước.
Bà Nguyễn Lê Xuân (cư trú tại chung cư 29T1, quận Cầu Giấy) chia sẻ, từ sáng sớm các mặt hàng thực phẩm đã được bày bán rất phong phú như các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, hoa quả tươi... giá cả không còn đắt như mấy hôm mưa bão.
Tại các cửa hàng nông sản, thực phẩm, các siêu thị trên địa bàn, như: Tomita, Bác Tom, Ecofood, Nông sản sạch, Winmart, BRGmart/Hapromart… các mặt hàng thực phẩm cũng rất phong phú.
Qua khảo sát một số siêu thị sáng 15-9 cho thấy, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào. Đại diện các hệ thống siêu thị như: BRGMart, Saigon Co.op, Central Retail, WinMart… đều cho biết đã chủ động sớm dự trữ nguồn hàng và có phương án cung ứng bổ sung kịp thời, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, như: Gạo, thịt, cá, rau xanh... đã được tăng lượng dự trữ, tăng nguồn cung hàng hóa gấp nhiều lần và cam kết không tăng giá bán.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc BRGMart cho biết, hệ thống đã đặt hàng, tăng 30% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu so với trước bão, lũ. Giá cả hàng hóa cũng không có biến động. Mặt hàng rau xanh, sau ảnh hưởng bởi bão số 3 có hạn chế về chủng loại, tuy nhiên ngay sau đó BRGMart đã bổ sung đặt hàng và tới hôm nay thì các sản phẩm rau ăn lá đã tương đối đầy đủ.
Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung, AEON Việt Nam cho biết, để đáp ứng cầu đột biến, AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng đặt hàng từ nhà cung cấp gấp 2-3 lần ngày thường. Trong ngắn hạn, bão số 3 gây những ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, đặc biệt đối với hàng tươi sống, thủy hải sản. Tuy nhiên, AEON Việt Nam vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp, vẫn chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam - đơn vị vận hành hệ thống GO!, BigC cho biết, đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ các loại so với ngày thường. "Giá vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão, vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt", bà Vân khẳng định.
Bên cạnh đó, ngay từ cuối tuần trước, Central Retail Việt Nam đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75-80 tấn/chuyến.
Để bảo đảm bình ổn thị trường phục vụ nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra các hộ kinh doanh bảo đảm ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá, góp phần ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lợi dụng mưa, bão để nâng giá trục lợi. Đồng thời, rà soát, kiểm tra việc thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ.