Hà Nội triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp:Kỳ vọng tạo bước chuyển tích cực
Với việc đề ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, Đề án 'Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035' vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt được kỳ vọng tạo bước chuyển mới tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành đô thị khoa học, công nghệ thông minh.
Nâng cao chất lượng đào tạo các trường dạy nghề
![Ứng dụng công nghệ trong đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao. Ảnh: Hùng Việt](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_8_51436407/eb42aa1c9152780c2143.jpg)
Ứng dụng công nghệ trong đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao. Ảnh: Hùng Việt
Hà Nội hiện có 353 đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 202 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (68 trường cao đẳng, 84 trường trung cấp, 50 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) với 19 trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc thành phố. Đây là hệ thống chủ đạo để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia trực tiếp vào thị trường lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đánh giá, trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã không ngừng đổi mới và có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của xã hội.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng mở, linh hoạt, bước đầu hình thành một số cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Mục tiêu là nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ và tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo, để lao động Việt Nam từng bước tham gia, đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài phụ trách.
Theo đó, ngày 24-1-2025, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035”. Không chỉ cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong việc đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, đề án đặc biệt chú trọng việc định hướng, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp, góp phần cung cấp lượng lớn nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề giỏi cho thị trường lao động Thủ đô và cả nước.
Nhiều giải pháp quan trọng
Một trong các nhóm giải pháp quan trọng được nêu trong đề án, là nâng cấp một số trường trung cấp nghề công lập hoạt động hiệu quả thành trường cao đẳng. Đơn cử, trong năm 2025, sẽ nâng cấp Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, với lĩnh vực đào tạo thủ công mỹ nghệ và công nghiệp, là trường duy nhất trong các trường có và còn bảo tồn một số ngành, nghề truyền thống được định hướng trở thành trường cao đẳng.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng chia sẻ: “Với việc Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội được nâng cấp phát triển thành trường cao đẳng vào năm 2025, đây sẽ là điều kiện để nhà trường phát triển các nghề thế mạnh, đặc biệt là các nghề khối công nghiệp và các nghề truyền thống, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề; các khu công nghiệp phía Tây Hà Nội như: Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc... ”.
Đối với các trường cao đẳng, trung cấp công lập, cùng với giải pháp nâng cấp một số trường trung cấp thành trường cao đẳng, thành phố còn định hướng sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Công nghệ Hà Nội và Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, giữ nguyên 9 trường cao đẳng. Trong đó, phấn đấu giai đoạn 2030-2035 có 1 trường cao đẳng được nâng cấp thành trường đại học để đào tạo, liên kết đào tạo ở bậc học cao hơn (Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội).
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Lê Minh Thảo cho biết, cùng với việc xây dựng cơ cấu mạng lưới các trường đáp ứng yêu cầu mới, đề án chú trọng việc đổi mới phương thức quản trị nhà trường; đồng thời, nâng cấp, quản lý sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo hiệu quả, nâng cao năng lực tự chủ, chuyển đổi số trong hoạt động của các trường…
Đáng chú ý, các ngành, nghề được ưu tiên phát triển tiên phong là các ngành, nghề về thương mại - dịch vụ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (y tế, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thẩm mỹ; vận tải, kho bãi; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; kinh doanh; nhà hàng, khách sạn); các ngành, nghề về công nghiệp - xây dựng, công nghiệp công nghệ cao (công nghiệp phần mềm; công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - AI; Internet vạn vật - IoT).
Cùng với đó, việc đầu tư các ngành, nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là nhiệm vụ cần thiết đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp nhằm thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, tài trợ, xây dựng hệ sinh thái số giáo dục nghề nghiệp.