Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo lực đẩy cho làng nghề phát triển
TP Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề; có đề án bảo tồn làng nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề những nơi chưa có nghề; có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề truyền thống thành những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.
Ưu tiên phát triển nghề, làng nghề
Theo thống kê, Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.
Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22 - 25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (Thạch Thất)...
Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề và nghề truyền thống, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 9 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề, làng nghề đến 2025 tầm nhìn đến 2030.
Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo, mang phong cách văn hóa địa phương có sức cạnh tranh cao trong thị trường trong nước và quốc tế.
TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; Đồng thời, phát triển 10 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Ngày 2/1/2013, TP Hà Nội đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu: phát triển nghề, làng nghề nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống; đồng thời phát triển các làng có nghề mới; rà soát phân loại các nghề, làng nghề cần duy trì, bảo tồn hoặc chuyển nghề khác; phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực làng nghề theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; phát triển lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động; phát triển các sản phẩm của làng nghề truyền thống đang có thị trường tiềm năng, gắn với khôi phục văn hóa truyền thống của làng nghề.
Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn.
Ở TP Hà Nội, làng nghề nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Đây là điều kiện thuận lợi để TP Hà Nội phát triển du lịch làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm…
Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của TP Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng rối nước Đào Thục, làng hoa Tây Tựu, làng thêu Quất Động, làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng cốm Mễ Trì... Việc phát triển du lịch làng ghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của thành phố Hà Nội hiện nay. Giá trị sản xuất làng nghề của Hà Nội hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD.
Đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề
TP Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề; có đề án bảo tồn làng nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề những nơi chưa có nghề; có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề truyền thống thành những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, những năm qua, TP đã dành nhiều chương cho khu vực kinh tế này phát triển. Riêng chương trình khuyến công, trong hơn 10 năm qua, TP đã tổ chức gần 1.000 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho hơn 38.000 lao động nông thôn với các nghề như may mặc, cơ khí, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ... Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề này, hơn 80% số lao động đã có việc làm. Hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất bằng nguồn kinh phí khuyến công.
"Để hỗ trợ các làng nghề tìm kiếm thị trường, TP đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tổ chức hoặc hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chất lượng của các mặt hàng, ngành hàng ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm mới có tính sáng tạo được trưng bày thu hút nhiều nhà nhập khẩu, khách quốc tế, nhiều giao dịch và thỏa thuận hợp tác giao thương của các doanh nghiệp với sở sản xuất với các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong nước và quốc tế được kết nối và ký kết…
Để khu vực này phát huy thế mạnh, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm... để hỗ trợ các làng nghề.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở sản xuất tại làng nghề nắm bắt và chủ động tham gia chương trình hỗ trợ. Tăng cường ứng dụng dựa trên các nền di động, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử trong quảng bá để giới thiệu sản phẩm làng nghề.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận 3 làng nghề Hà Nội và 11 làng nghề truyền thống Hà Nội. Trong đó, 3 làng nghề Hà Nội, gồm: Làng nghề mây tre đan (thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì); làng nghề mộc Triệu Xuyên (xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ); làng nghề cắt may (làng Táo, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ).
11 làng nghề truyền thống Hà Nội, bao gồm: Làng nghề trồng đào, cây cảnh thôn Đông Thai (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín); làng nghề khảm trai thôn Trung (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề khảm trai thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề khảm trai thôn Hạ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên); làng nghề mộc dân dụng thôn Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên)…