Hà Nội triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sáu tháng đầu năm năm 2025, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng GRDP đạt 7,63%, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.
Trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Các ngành đều tăng trưởng
Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Đảng ủy UBND thành phố Hà Nội được gửi tới Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (sáng 15-7) cho thấy, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố đã góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tăng trưởng của thành phố quý sau cao hơn quý trước: Quý I tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 7,63%, cao hơn cùng kỳ (6,13%) và cao hơn kịch bản đề ra (7,59%). Các ngành đều tăng trưởng: Dịch vụ tăng 8,42%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,83%; nông nghiệp tăng 3,21%. Khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người (có lưu trú), tăng 23,6%; khách nội địa đến Hà Nội đạt 1.058 nghìn lượt người, tăng 18,5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 62,299 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%.
Thành phố đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, như: Khởi công dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư gần 20,2 nghìn tỷ đồng); đẩy nhanh giải ngân các dự án như: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đã giải ngân 16,4% kế hoạch vốn); đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục giai đoạn 1 (đã giải ngân 51,2% kế hoạch vốn); quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (đã giải ngân 19,6% kế hoạch vốn); tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (đã giải ngân 29,5% kế hoạch vốn); dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (đã giải ngân 37,2% kế hoạch vốn).
Thành phố đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm mục tiêu hoàn thành kế hoạch và đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Công tác quy hoạch được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong 5 tháng đầu năm, UBND thành phố đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố đã giải quyết việc làm cho 105.206 lao động, đạt 62,3%, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Hà Nội đạt 68,38 điểm, tăng 4 bậc, từ vị trí số 28 của năm ngoái lên vị trí thứ 24, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2024, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố đạt 92,75 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, giữ vững thứ hạng so với năm 2023 nhưng tăng 1,32 điểm (tương đương tăng 2,99% so với năm 2023 đạt 91,43 điểm). Hà Nội nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số cao và cao hơn so với giá trị trung bình của cả nước là 4.38%.
Về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Hà Nội tăng liên tục 3 năm, với mức tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay. Thành phố xếp hạng nhất trong cả nước về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin, giữ vị trí thứ hai trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, đứng đầu về chỉ số quản trị điện tử và dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 7 nội dung quan trọng. Ảnh: Viết Thành
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ các điểm nghẽn
Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là, tăng trưởng chung 6 tháng đạt cao, tuy nhiên, quý II đạt thấp hơn so với kịch bản (7,56% so với 7,93%), tăng trưởng ngành xây dựng thấp hơn khá nhiều so với kịch bản (6,81% so với 8,05%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% - còn chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao.
Các dự án nhà máy xử lý rác thải, nước thải còn chưa đạt tiến độ đề ra. Việc xử lý ô nhiễm nước các sông nội đô như Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét, sông Nhuệ - Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn…
Sáu tháng cuối năm 2025, thành phố Hà Nội nhận định, khó khăn, thách thức gia tăng cũng là cơ hội, động lực đối với cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để quyết tâm thực hiện hiệu quả những cải cách và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm của thành phố là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thành phố yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, các sở, ban, ngành và xã, phường sau sắp xếp tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 04/CTr-UBND ngày 14-2-2025, các Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14-3-2025 và số 04/CT-UBND ngày 28-3-2025, với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, thành phố tập trung hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ để duy trì tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành; kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp; cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật và triển khai thực hiện “bộ tứ trụ cột” về: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng, thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân...
Thành phố cũng sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư công 2025; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, tập trung vào các dự án trọng điểm như: Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc… Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực và tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án xử lý rác thải, nước thải; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, thành phố sẽ rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện theo ngành, lĩnh vực quản lý lên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo đồng bộ dữ liệu với Hệ thống thông tin và cơ sở quốc gia về quy hoạch và tránh dàn trải, lãng phí...