Hà Nội ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi phương tiện trong khu vực Vành đai 1
Thành phố Hà Nội sẽ triển khai các biện pháp kêu gọi doanh nghiệp cung ứng phương tiện tham gia hỗ trợ người dân đổi xe, thậm chí có thể hỗ trợ cả giá thành.
Chỉ thị 20 mở đường siết chặt ô nhiễm đô thị
Chiều 15/7, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô". Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất cho rằng, Chỉ thị số 20/CT-TTg (Chỉ thị số 20) ngày 12/7/2025 của Thủ tướng về các nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường là chỉ đạo mang tính tổng thể, toàn diện và rất kịp thời. Chỉ thị đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, rõ ràng để xử lý tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Các chuyên gia, nhà quản lý tham gia tọa đàm. Ảnh: Minh An
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Chỉ thị số 20 giao nhiều nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trên cả nước, trong đó tập trung vào các đô thị lớn, đặc biệt là TP. Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và hiện Cục Môi trường đang tham mưu để lãnh đạo bộ triển khai ngay trong tuần tới.
Liên quan đến mô hình chính quyền hai cấp, ông Hoàng Văn Thức thông tin, Bộ đã tham mưu Chính phủ sửa đổi một số nội dung về phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
Ông Thức dẫn chứng về quy chuẩn khí thải với ô tô đang lưu hành đã được ban hành và trong thời gian tới sẽ tiếp tục ban hành thêm quy chuẩn khí thải đối với mô tô, xe gắn máy, trong đó có lộ trình kiểm chuẩn phương tiện. “Từ 1/7/2027, mô tô và xe gắn máy sẽ phải kiểm chuẩn khí thải. Để thực hiện lộ trình này, các địa phương như Hà Nội cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất như các điểm kiểm chuẩn khí thải phương tiện và xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp. Việc chuyển đổi xanh cần đi kèm chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương”, ông Thức nhấn mạnh.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp và mỗi người dân. “Trước đây, người dân thường để nổ máy khi chờ đèn đỏ lâu, nhưng nay nhiều người đã chủ động tắt máy. Những năm gần đây, việc chuyển đổi sang xe điện, cả ô tô lẫn xe máy, đặc biệt là xe buýt xanh, đang cho thấy nhận thức của cộng đồng ngày càng rõ nét, thể hiện sự sẵn sàng cùng hành động vì môi trường”, ông nhận định.
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thực hiện Luật Thủ đô, cuối năm 2024, thành phố đã ban hành nghị quyết quy định về vùng phát thải thấp. Theo lộ trình, quý III/2025, Hà Nội sẽ tiến hành chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp, kiểm soát theo các vành đai 1, 2 và 3.
Ông dẫn chứng, vành đai 1 hiện có quy mô khoảng 31 km² với dân số khoảng 600.000 người, chắc chắn sẽ là vùng phát thải thấp cần kiểm soát nghiêm ngặt. Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng kiểm soát ra vành đai 2 và 3, đồng bộ với các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 20.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, tất cả các nguồn phát thải sẽ được kiểm soát chặt chẽ, từ sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ cho đến xử lý rác thải, ô nhiễm sông hồ, chất thải rắn độc hại.
“Phương tiện giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí chiếm từ 54 - 75%, trung bình khoảng 60%. Vì vậy, cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát xe cũ, quy định điều kiện phát thải theo từng ngưỡng cụ thể”, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Ông khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đã đến mức báo động. Do đó, cần có sự đồng lòng, chung sức từ chính quyền đến người dân để cải thiện môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cũng chia sẻ nhiều bài học từ các thành phố lớn trên thế giới trong việc giảm ô nhiễm không khí. Ông lấy ví dụ về thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi từng đối mặt với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhưng hiện đã có nhiều cải thiện nhờ vào các chính sách quyết liệt như chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện.
“Họ đầu tư rất lớn, bắt đầu từ khu vực trung tâm rồi mở rộng dần, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Hiện nay, nhiều thành phố của Trung Quốc đã chuyển sang dùng xe điện, không chỉ riêng Bắc Kinh”, ông Tùng nêu rõ.
Cũng theo ông, người dân ngoài việc sẵn sàng ủng hộ thì cũng rất mong chính sách hỗ trợ, hệ thống trạm sạc, phương tiện công cộng... cần được triển khai và công bố sớm. “Tôi rất hy vọng TP. Hà Nội sẽ sớm áp dụng những biện pháp như vậy để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi thuận lợi, giảm tác động tới đời sống. Đây là điều rất cần thiết và gần như chúng ta không còn đường lùi nữa”, ông Tùng nêu quan điểm.
Đề cập đến phương tiện cá nhân sử dụng xăng dầu, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh việc chuyển đổi phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Để triển khai hiệu quả, Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là với các phương tiện sử dụng xăng dầu trong khu vực vành đai trung tâm.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẽ có những biện pháp quản lý phù hợp, phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thành phố sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng phương tiện cùng đưa ra chế độ ưu đãi tối đa cho người dân đổi xe, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các điều kiện sử dụng, nhằm đảm bảo hiệu quả thực tiễn cao nhất”.