Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - QL1) là dự án được UBND Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Đoạn vành đai này dài khoảng 2km, được thiết kế chiều rộng 40m, vỉa hè rộng 7,5m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013 - 2016. Tuy nhiên, đến nay dự án mới đạt sản lượng 87% do vướng giải phóng mặt bằng. San nhiều năm án ngữ, hiện các hộ dân còn lại đã bàn giao mặt bằng phục vụ thi công công trình.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào sáng 5/3 cho thấy, các căn nhà (phường Định Công, quận Hoàng Mai) nằm trong vùng dự án xây dựng đường vành đai này đã hoàn thành việc phá dỡ.
Mặt bằng sạch phục vụ nhà thầu thi công dự án.
Dự án có một cây cầu bắc qua sông Lừ đoạn qua phường Định Công. Hơn 7 năm qua, cây cầu này đã hoàn thiện phần chân đế, nhưng không được hoàn thiện tiếp do không có mặt bằng để kết nối. Khi giải phóng xong được mặt bằng cây cầu này sẽ được thi công trở lại.
Tuy nhiên, quá trình ghi nhận thực tế trên toàn bộ công trường dự án, ngoài việc thu gọn mằng bằng PV không thấy công nhân thi công.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Đình Phan - Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, nguyên nhân trên do dự án đã hết hạn, giờ nhà thầu đang phải báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở GTVT để xin gia hạn sau đó mới có thể huy động công nhân tới công trường thi công.
UBND quận Hoàng Mai mới đây đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, chỉ đạo nhà đầu tư tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Quan sát của PV, hiện dự án mới cơ bản hoàn thiện 1,3km đoạn từ Đầm Hồng đến nút giao đường Vành đai 2,5 - Trần Nguyên Đán. Đoạn còn lại hơn 600m từ nút giao Vành đai 2,5 - Trần Nguyên Đán đến nút Kim Đồng - Giải Phóng vẫn dang dở.
Dự án chưa hoàn thành khiến việc đi lại của người dân gặp khó, bụi mù mịt.
Nhiều vị trí trở thành nơi tập kết rác thải.
Biển Ngọc
Lê Tươi