Hà Nội xử lý hàng loạt 'điểm đen' ô nhiễm môi trường
Để kiểm soát, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TNMT) đã tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể để xử lý hàng loạt 'điểm đen' về ô nhiễm trên địa bàn.
Sở TNMT Hà Nội cho biết, năm qua Thành phố đã thực hiện nạo vét 121 tuyến mương trên địa bàn với tổng khối lượng 55.680 m3. Đối với các tuyến mương, sông hồ thuộc điểm đen ô nhiễm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác nạo vét với tổng khối lượng dự kiến khoảng 120.000 m3 (bao gồm nạo vét sông Lừ khối lượng khoảng 23.500 m3; Hồ xử lý bãi bùn khu C Yên Sở khối lượng khoảng 12.500 m3; sông Tô Lịch với khối lượng khoảng 28.400 m3; Hồ điều hòa số 4 Yên Sở với khối lượng khoảng 53.000 m3, Hồ Bảy Mẫu (Eo hồ Quán Gió) với khối lượng khoảng 3.000 m3…).
Tiếp tục thực hiện công tác duy trì bè thủy sinh trên sông Tô Lịch, các hồ nội thành nhằm tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh đó, các quận huyện đã triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm tại các điểm đen, các khu vực bức xúc trên địa bàn và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường không khí, Sở TNMTtiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố và thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Hiện thành phố đang quản lý vận hành 34 trạm quan trắc không khí, 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Đồng thời, đang tập trung hoàn thiện dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn Thành phố, trong đó đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2022-2024.
Bên cạnh đó, Sở TNMT đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, quận huyện thị xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường như: Loại bỏ cơ bản 100% bếp than trong sinh hoạt, kinh doanh; Trồng gần 2 triệu cây xanh; Tăng cường cơ giới xe quét, hút bụi trong công tác vệ sinh môi trường; Quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện che chắn công trình khi phá dỡ, xây dựng; Yêu cầu các xe vận chuyển phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thùng kín, không bị rò rỉ; Tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị vận chuyển vi phạm gây ô nhiễm môi trường; Triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; Triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”...
Loại bỏ gần 100% bếp than tổ ong
Theo báo cáo cập nhật của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tính đến hết năm 2021 còn 316 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được 54.176 bếp (giảm 99,42% so với số liệu điều tra khảo sát ban đầu năm 2017).
Theo kết quả điều tra, đánh giá vụ Hè - Thu năm 2021 trên địa bàn Thành phố hiện tượng đốt rơm rạ cơ bản hạn chế tối đa. Việc áp dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ được hầu hết thực hiện trên địa bàn các huyện, trong đó huyện Đông Anh, Thanh Oai thực hiện rất hiệu quả.
Thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 22/7/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã đo kiểm khí thải cho 3.000 - 5.000 xe mô tô, xe gắn máy của các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM.
Người dân Thủ đô được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí tại 8 điểm trên địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông. Sau khi hoàn thành kết quả đo kiểm làm cơ sở đánh giá tác động của khí thải phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp, chính sách để cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng hộ, hiện đại, công bố công khai dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ nhu cầu theo dõi của người dân.
Năm 2018, sự kiện thành phố Hà Nội tiếp nhận và vận hành hệ thống quan trắc tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài nguyên Môi trường.
Kết quả quan trắc môi trường được quản lý và công bố theo quy định của pháp luật, đặc biệt có giá trị trong việc xây dựng các báo cáo môi trường hiện trạng môi trường thành phố Hà Nội, báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia; tham mưu xây dựng chính sách về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ô nhiễm không khí, khuyến cáo các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố.