Hạ tầng đi trước
Trong năm 2023, hàng loạt công trình giao thông được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã giúp kết nối giao thương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi qua địa bàn huyện dài 10 km và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Ðông - Tây tỉnh Cà Mau dài 32 km đi qua địa bàn 6 xã của huyện đã tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển của huyện. Cụ thể là kết nối lưu thông, giao thương và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ cửa biển Gành Hào về thị trấn Ðầm Dơi và TP Cà Mau; kết nối các trục đường liên tỉnh. Ðồng thời, Dự án cầu Gành Hào hoàn thành, kết nối với huyện Ðông Hải (tỉnh Bạc Liêu) sẽ tạo nên trục phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của huyện Ðầm Dơi”.
Tạo đà phát triển
Trước đây, từ trung tâm TP Cà Mau muốn đi về xã Tân Thuận phải đi nhờ qua địa phận của huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu rồi mới đi phà qua xã, mất mấy giờ đồng hồ. Nhưng hiện tại, đường về Tân Thuận được rút ngắn, chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ là đến.
Tân Thuận là 1 trong 3 xã ven biển của huyện Ðầm Dơi, nơi đây có 4 cửa sông lớn thông ra biển, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Trước đây, khi chưa có tuyến lộ Ðông - Tây, việc kết nối xã với huyện, tỉnh và các chợ trong khu vực gặp nhiều khó khăn nên việc giao thương, tiêu thụ hàng hóa phát sinh nhiều chi phí, thường bị thương lái ép giá... Khi lộ đưa vào sử dụng thì những hộ dân trên địa bàn 6 xã có tuyến lộ đi qua (trong đó có Tân Thuận) đã chuyển đổi sản xuất sang nuôi tôm siêu thâm canh. Qua đó, kinh tế - xã hội của các xã nằm trên trục đường này phát triển rõ rệt.
Ông Trần Hoàn Bách, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết: “Giờ lộ giao thông được đấu nối, đường về trung tâm huyện không còn xa, khoảng cách giữa các xã ngày một gần hơn. Từ đó, người dân có điều kiện mở rộng kinh doanh, dịch vụ, chuyển mục đích sử dụng đất, tạo nguồn thu và nâng cao đời sống rất rõ rệt”.
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018 toàn xã có 555 hộ nghèo, chiếm 14,5%; đến cuối năm 2023, xã còn 138 hộ nghèo, chiếm 3,62% (giảm 417 hộ nghèo, giảm 10,88%). Lộ thông thương, rút dần khoảng cách, tiền đề để xã tạo đột phá. Từ một xã khó khăn nhất, nhì của huyện, Tân Thuận đã có bước phát triển vượt bậc và sẽ trở thành đô thị biển phát triển nhất của huyện.
“Một điều đáng phấn khởi là đến cuối năm 2022, Tân Thuận được công nhận là đô thị loại V. Kinh tế của xã có bước phát triển vượt bậc, tỉnh đang có hướng triển khai xây dựng cầu Gành Hào nối liền xã Tân Thuận với huyện Ðông Hải của Bạc Liêu. Theo đó, việc trao đổi hàng hóa của 2 địa phương được thông thương, tạo điều kiện cho Tân Thuận phát triển. Tân Thuận cũng được chọn là đô thị động lực phát triển của phía Ðông, phát triển đúng vị thế, tiềm năng của đô thị ven biển. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Tân Thuận (50 ha), nhà máy điện gió 55kW đã đi vào hoạt động và tiếp tục mời gọi đầu tư khu đất Mỏ Ó để nuôi tôm siêu thâm canh. Qua đó, giải quyết được nhu cầu việc làm cho lao động tại địa phương cũng như sự phát triển của Tân Thuận trong thời gian tới”, ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện, phấn khởi.
Ðổi thay từng ngày
So với các năm trước, 2 năm trở lại đây hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện được đầu tư có trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như tạo điều kiện thông thương hàng hóa.
Chỉ trong 2 năm, diện mạo hạ tầng GTNT của huyện Ðầm Dơi có bước phát triển vượt bậc. Ông Lê Minh Hiền bộc bạch: “Trước đây từ Ðầm Dơi đi TP Cà Mau chỉ có 25 km nhưng đường đi rất khó, tải trọng phương tiện, hàng hóa qua cầu treo chỉ được 10 tấn. Khi vận chuyển hàng hóa về huyện và ngược lại với số lượng lớn thì phải đi nhiều xe, chi phí lớn. Từ khi huyện đầu tư tuyến lộ nối mạch tỉnh - huyện, việc trao đổi mua bán thuận tiện, dễ dàng hơn, sản phẩm của người dân bán được giá hơn. Ðây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trên địa bàn huyện”.
Từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng mới và nâng cấp mở rộng 113 công trình lộ GTNT với tổng chiều dài 223 km, tổng vốn đầu tư trên 202 tỷ đồng (vốn ngân sách gần 200 tỷ đồng; vận động Nhân dân đóng góp bằng tiền hơn 2,6 tỷ đồng), trong đó có 39 công trình nâng cấp, mở rộng với chiều dài trên 46 km, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng.
Ngoài các nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư, huyện đã vận động các mạnh thường quân tài trợ trên 15 tỷ đồng để xây dựng 66 công trình cầu và 6 công trình lộ GTNT. Ðồng thời, đã vận động người dân hiến đất xây dựng lộ GTNT với tổng diện tích đất trên 680.750 m2, trị giá khoảng 70 tỷ đồng; vận động người dân bồi trúc và mở rộng mặt bằng đất đen để xây dựng lộ GTNT với chiều dài 202,5 km, tổng giá trị trên 6 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Hiền cho biết: “Tỉnh đang có chủ trương mở tuyến đường ven biển từ Tân Thuận qua Tân Tiến, qua Nguyễn Huân đến Tam Giang Ðông của huyện Năm Căn. Nếu tuyến đường này được hình thành sớm thì đối với các xã ven biển sẽ thúc đẩy kinh tế tốt hơn vì khai thác được tiềm năng kinh tế biển”.
Có thể thấy, từ phát triển hạ tầng giao thông đã thúc đẩy phát triển rõ rệt kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn. Cụ thể như năm 2023, huyện thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt. Nổi bật, thu nhập bình quân đầu người 58 triệu đồng/năm, đạt 105,5% kế hoạch; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 1.750 tỷ đồng, đạt 111,1%; tổng sản lượng thủy sản 115.100 tấn, đạt 100,09% (tôm 57.990 tấn, đạt 101,56%); thu ngân sách Nhà nước 125 tỷ đồng, đạt 145,3%.
Ðầm Dơi đang nỗ lực hết mình để nâng cao đời sống cho người dân. Những ngày này, khắp các tuyến đường mới trên địa bàn rực rỡ cờ hoa, tạo nên không khí vui tươi trước thềm xuân mới. Ðường đi thông thoáng, thuận lợi giao thương, Nhân dân phấn khởi lao động sản xuất, chung sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ha-tang-di-truoc-a30725.html