Hạ tầng đồng bộ dẫn dắt phát triển
Là một trong 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, đầu tư hoàn thiện hạ tầng luôn được Quảng Ninh ưu tiên thực hiện, tạo nên sự đồng bộ, hiện đại; đây chính là động lực để thu hút đầu tư và thúc đẩy các thế mạnh của địa phương ngày càng phát triển.
Tập trung nguồn lực đầu tư
Quảng Ninh có diện tích lớn, nhiều khu vực còn xa trung tâm, kết cấu hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược; do đó, nhiệm vụ phát triển đột phá, đồng bộ hạ tầng luôn là mục tiêu được tỉnh ưu tiên thực hiện. Với quan điểm đó, tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; hệ thống giao thông khu vực nông thôn, miền núi được tỉnh quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực... Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền trong tỉnh.
Bên cạnh đó, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Các hạ tầng khác như công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao... được quan tâm đầu tư, hoàn thiện đồng bộ. Trong đó, hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số toàn diện, bảo đảm phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân…
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022 Quảng Ninh đứng đầu trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam; đây là động lực quan trọng để tỉnh có thêm những đột phá mới, thực hiện thắng lợi, hiệu quả các nội dung Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Mở đường cho du lịch cất cánh
Từ việc ưu tiên dành nguồn lực hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đã tạo lợi thế cho du lịch tỉnh, góp phần tích cực xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Trong đó, hàng loạt các dự án đầu tư mới về cơ sở hạ tầng đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ấn tượng mới cho thương hiệu du lịch của tỉnh.
Những năm qua, Quảng Ninh chú trọng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Từ đó, hình thành nên chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km kết nối đồng bộ 4 trung tâm du lịch, kết nối các di tích, kỳ quan nổi bật của tỉnh. Đặc biệt, tuyến đường đã rút ngắn 1/2 thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội đến trung tâm du lịch Hạ Long và địa đầu Tổ quốc - Móng Cái; tạo lực hút mạnh mẽ để du khách đến với vùng đất xa nhất của tỉnh. Bên cạnh đó, sân bay Vân Đồn - sân bay mới hàng đầu châu Á năm 2019 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới bình chọn cũng là lựa chọn mới để du khách lựa chọn khi đến với Quảng Ninh…
Cùng với hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng giao thông đối nội của tỉnh cũng thể hiện rõ tính chất kết nối liên thông, tổng thể và liền mạch; song song với các tuyến đường trục chính, các tuyến đường du lịch mới, kết nối đến các trung tâm du lịch được hình thành. Điển hình như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, trục cảnh quan ven biển đẹp của Quảng Ninh, nối liền vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long với các công trình kiến trúc ấn tượng, các trung tâm thương mại, mua sắm, chợ đầu mối - điểm đến không thể thiếu trong hành trình của khách du lịch.