Hà Tĩnh: Chè Tây Sơn - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Sản phẩm chè Tây Sơn của Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở khu vực phía Bắc năm 2022.
Chè Tây Sơn được biết đến là sản phẩm chè xanh sấy khô do Xí nghiệp Chè Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chế biến với tiêu chí đem đến cho người thưởng chè một loại nước chè xanh nguyên chất, đậm đà, mang hương vị riêng biệt của vùng đồi núi miền Trung đầy nắng gió.
Năm 1959, Xí nghiệp Chè Tây Sơn được thành lập, tiền thân là Nông trường Chè, chuyên trồng chè xanh chất lượng. Đến nay, cây chè được trồng và nhân giống ở nhiều xã trên toàn huyện Hương Sơn. Trước năm 2015, diện tích dành cho việc trồng chè tại Hương Sơn rất hẹp, chỉ khoảng 150 ha đất trồng, sản lượng ban đầu đạt 700-800 tấn/năm. Vì vậy, trong giai đoạn đầu sản xuất chè xanh, Xí nghiệp Chè Tây Sơn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn đầu tư và nhân lực lao động. Nhưng với sự cố gắng bền bỉ của Xí Nghiệp cùng với người dân nơi đây, những đồi chè xanh tươi vẫn phát triển và được mở rộng, trở thành giống cây trồng trọng điểm của ngành kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
Để quy trình sản xuất chè đảm bảo đạt chuẩn, Xí nghiệp luôn có yêu cầu khắt khe về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc mang sản phẩm an toàn tiêu thụ tại các thị trường khó tính luôn được đặt lên hàng đầu. Đến năm 2017, Xí nghiệp chè Tây Sơn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho toàn bộ phần diện tích sản xuất. Với sự tìm tỏi, cải thiện trong từng sản phẩm, từ cách trồng, chế biến đến đóng gói sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, Chè xanh Tây Sơn đã đạt chuẩn 3 sao OCOP năm 2019.
Để khuyến khích người dân sử dụng phân hữu cơ nhằm tăng độ phì nhiêu của đất đồng thời đảm bảo chất lượng chè sạch, xí nghiệp đã hỗ trợ chi phí vận chuyển 150 ngàn đồng/tấn phân chuồng từ nhà ra đồng đối với các hộ trồng chè tại xã Sơn Kim 2. Nhờ vậy, những năm gần đây, lượng phân hữu cơ người dân sử dụng bón cho cây chè, tăng từ 400 tấn/năm (2019-PV) lên 2.000 tấn/năm 2022.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ kích cầu, xí nghiệp cũng cương quyết “nói không” với thu mua sản phẩm chè búp đối với những hộ sử dụng phân hóa học nên không còn tình trạng sử dụng phân hóa học bón cho cây chè. Cùng với đó, việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh (theo chu kỳ mỗi năm 3 lần, mỗi lần 300 lít chế phẩm sinh học) cũng do xí nghiệp đảm nhận, tránh tình trạng phun tràn lan không hiệu quả. Xí nghiệp còn phát động phong trào cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất chế biến, nâng cao hiệu quả làm việc.
Việc liên tục cải tiến kỹ thuật làm nâng cao năng xuất cùng với tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất chè an toàn đã giúp cho Chè Tây Sơn đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2020 sản lượng chè Tây Sơn đạt 4.000 tấn/năm, doanh thu đạt 38 tỷ đồng; năm 2021 đạt 4.300 tấn, doanh thu 39 tỷ đồng; năm 2022, dự kiến sản lượng đạt 4.500 tấn, doanh thu ước tính gần 41 tỷ đồng.
Bên cạnh liên tục đạt sản lượng cao đem về doanh thu lớn, Năm 2022, sản phẩm chè Tây Sơn còn được vinh hạnh lọt vào danh sách 141 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022. Trước đó, năm 2021, sản phẩm chè Tây Sơn cũng lọt tốp 41 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do tỉnh Hà Tĩnh bình chọn.
Ông Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn cho biết “Thời gian tới, xí nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền mở rộng thêm diện tích tại các xã: Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Kim 1 để nâng diện tích lên hơn 400 ha. Mở rộng diện tích để nâng cao hiệu quả sản xuất là cần thiết, nhưng cùng với đó là siết chặt công tác quản lý về quy trình sản xuất an toàn để có thể tạo ra sản phẩm chè đủ sức cạnh tranh mới trên thị trường là vấn đề cốt lõi”.