Hà Tĩnh đặt mục tiêu 100% tàu cá có chứng nhận VSATTP vào cuối năm
Các địa phương, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tàu cá của Hà Tĩnh không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mà vẫn đi khai thác thủy sản.
Ngư dân không mặn mà làm thủ tục
Triển khai Luật Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 7/2/2019 quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có giấy chứng nhận VSATTP khi ra khơi đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai quy định, đến thời điểm này, Hà Tĩnh chỉ mới có 72/141 tàu cá đạt tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận VSATTP.
Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT quy định tất cả tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên phải được cấp chứng nhận VSATTP.
Ông Nguyễn Viết Hùng – Phụ trách Phòng Khai thác (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho hay: “Mặc dù, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cùng các ngành, địa phương đã thường xuyên tổ chức tập huấn, xuống tận nơi hướng dẫn… để ngư dân thực hiện các thủ tục nhưng việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận VSATTP theo quy định vẫn còn “vướng” ảnh hưởng đến tiến độ chung”.
Các ngành, lực lượng liên quan đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua, tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận VSATTP vẫn còn hạn chế.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân ngư dân không “mặn mà” và chậm trễ trong thực hiện yêu cầu là do Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 02-13:2009/BNNPTNT “Tàu cá - Điều kiện bảo đảm ATVSTP” quy định các tàu cá muốn được cấp chứng nhận phải đáp ứng nhiều chỉ tiêu như: kết cấu, bố trí trên tàu cá, trang thiết bị bảo quản sản phẩm, hóa chất bảo quản, cấu trúc, vật liệu của bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thủy sản... Trong khi đó, nguồn lực, điều kiện của ngư dân còn hạn chế nên các chủ tàu “ngại” đầu tư để nâng cấp, sửa chữa.
Việc bảo quản hải sản sau khi đánh bắt của cơ bản vẫn làm theo phương thức truyền thống.
Anh Phạm Văn Lệ (thị trấn Lộc Hà) - Một chủ tàu đã được cấp giấy chứng nhận cho biết: “Ngư dân vẫn ít khi quan tâm đến các quy định về VSATTP, bảo quản hải sản sau khi đánh bắt cơ bản làm theo phương thức truyền thống là sắp xếp vào từng khay hoặc đưa vào hầm chứa và sử dụng nước đá xay nhỏ... Lao động trên tàu không ổn định, thường xuyên “nhảy” việc nên khó phổ biến kiến thức VSATTP cho từng người theo quy định”.
Lực lượng liên quan thường xuyên nhắc nhở ngư dân đảm bảo vấn đề VSATTP trên tàu cá.
"Hơn nữa, những tàu cá có chiều dài trên 15m đều khai thác vùng biển khơi, không thường xuyên có mặt tại địa phương. Ý thức của một số chủ tàu chưa cao nên còn cân nhắc, do dự khi phải bỏ ra 700.000 đồng để được cấp giấy chứng nhận (thời hạn 3 năm) và 350.000 đồng/năm nhằm thẩm định, đánh giá định kỳ điều kiện VSATTP. Cùng với đó, một số tàu tuy có chiều dài trên 15m nhưng công suất nhỏ, hoạt động kém hiệu quả nên chủ tàu không muốn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận” – ông Hùng cho biết thêm.
Kiên quyết xử lý theo quy định
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Tông Thắng cho biết: “Công tác bảo đảm vệ sinh VSATTP trên tàu cá có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác. Đồng thời, đây cũng nội dung nằm trong công tác triển khai chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (IUU).
Vì vậy, trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan để đốc thúc, bám nắm và hướng dẫn nhằm phấn đấu đến hết tháng 12/2020 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận VSATTP đối với số tàu cá đủ điều kiện còn lại”.
Cấp giấy chứng nhận VSATTP là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của ngư dân, góp phần nâng cao chất lượng thủy sản sau đánh bắt.
Theo đó, các địa phương, lực lượng chức năng như Biên phòng, Kiểm ngư… tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, cửa biển, có biện pháp xử phạt nghiêm các tàu cá không có giấy chứng nhận VSATTP mà vẫn đi khai thác thủy sản để răn đe (phạt tiền từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng, buộc thu hồi thực phẩm vi phạm theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP).
Đối với các tàu đã bán, hư hỏng, sản xuất không hiệu quả trên toàn tỉnh làm thủ tục xóa đăng ký, đồng thời, một số tàu cá phát sinh mua về, cải hoán từ 15m trở lên hoàn thành hồ sơ để có thể cấp được giấy chứng nhận VSATTP theo quy định.
Các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, cửa biển.
“Thường xuyên nhắc nhở các chủ tàu nâng cao ý thức, trách nhiệm về VSATTP cũng như khuyến khích họ huy động vốn để nâng cấp, cải tiến các thiết bị trên tàu cá, đảm bảo chất lượng hải sản sau khai thác, góp phần từng bước thay đổi cách đánh bắt, bảo quản truyền thống, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại kinh tế cao hơn cho ngư dân” - ông Thắng cho biết thêm.