Hà Tĩnh đi đầu hoàn tất mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam
Hà Tĩnh cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông qua địa bàn nhờ sự quyết liệt của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Với gần 98% mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu, Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về giải phóng mặt bằng đối với dự án giao thông đặc biệt quan trọng này.
Tại huyện Thạch Hà, nơi Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đi qua với chiều dài trên 18 km, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất. Ngay sau khi nhận được chủ trương, các cấp chính quyền huyện Thạch Hà đã tập trung tuyên truyền, lấy ý kiến người dân tại 7 xã bị ảnh hưởng là Nam Điền, Thạch Đài, Việt Tiến, Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Xuân, Tân Lâm Hương. Sự vào cuộc quyết liệt, minh bạch của ban ngành liên quan trong công tác kê khai, kiểm đếm, đền bù đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà cho biết: “Đường cao tốc Bắc Nam qua địa bàn xã Việt Tiến có 57 hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu là đất nông nghiệp và 24 ngôi mộ. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện xong”.
Tương tự tại huyện Kỳ Anh, địa phương có gần 25km Dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua, đến nay công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng đã về đích. Ông Võ Tá Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, việc sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng không chỉ góp phần thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam qua địa bàn, mà còn giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng sớm ốn định cuộc sống. Tại huyện Can Lộc, trên 2.100 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều hộ bị ảnh hưởng đến đất ở, tài sản trên đất đã nhận đền bù, di dời nhà cửa, thực hiện bàn giao 198 ha đất các loại cho chủ đầu tư, nhà thầu.
“Đường cao tốc chạy qua ở đây chúng tôi chủ yếu là đất nông nghiệp. Người dân nói chung rất ủng hộ vì đường sá chạy qua sẽ giúp phát triển kinh tế, dịch vụ…”, ông Nguyễn Bá Đạt, một người dân chia sẻ.
Thực tế cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân trong vùng ảnh hưởng đã giúp Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam. Đến nay, Hà Tĩnh đã áp giá, phê duyệt phương án bồi thường gần 99%, bàn giao gần 98% mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu; tiến độ giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng đạt hơn 1800 tỷ/2.578 tỷ đồng (trên 70%).
Theo ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc quản lý dự án thành phần đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi, Ban quản lý dự án Thăng Long, tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh nhanh hơn dự tính của chủ đầu tư, nhà thầu.
“Là nhà thầu ở đây, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng như người dân, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính. Có thể nói, đây là dự án mà chúng tôi thực hiện thuận lợi nhất từ trước đến nay”, ông Thắng cho hay.
Cùng với việc sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận 11 mỏ khoáng sản (8 mỏ đất san lấp và 3 mỏ cát lòng sông) làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam theo đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu. Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định chủ trương 7/7 mỏ có rừng. Hiện các đơn vị đang thỏa thuận giá bồi thường với các tổ chức, cá nhân cũng như lên phương án trồng rừng thay thế.
Theo tính toán của chủ đầu tư, các nhà thầu và tư vấn giám sát thi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn qua Hà Tĩnh, nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn. Trong đó, riêng 2 dự án thành phần cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng cần trên 12 triệu m3 đất đắp; 2,1 triệu m3 cát và 1,4 triệu m3 đá xây dựng.
“Từ chỉ đạo rất quyết liệt của đồng chí Thủ tướng Chính phủ đó là phải có đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ đường cao tốc, cho nên đến nay Hà Tĩnh đã cấp đủ mỏ cho nhà đầu tư. Hai việc Hà Tĩnh thực hiện nhanh nhất là giải phóng mặt bằng và nguyên vật liệu. Cách đây khoảng 1 tháng, toàn quốc mới cấp 25 mỏ thì riêng Hà Tĩnh đã cấp 10 mỏ”, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Dự án cao tốc Bắc Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm 3 đoạn, chiều dài tuyến trên 100 km, tổng mức đầu tư khoảng 20.230 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã là Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Trong đó, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài khoảng 34 km, do Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài khoảng 55 km do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư và đoạn Vũng Áng - Bùng do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.