Hai người thầy họ Đỗ ra mắt sách đúng dịp 20/11
'Tiếng gọi của khoảng trống' và 'Lịch sử thú vị hơn em tưởng' là hai cuốn sách của hai người thầy Đỗ Lai Thúy, Đỗ Cao Sang ra mắt đúng dịp 20/11 tại Phố sách 19/12.
Tiếng gọi của khoảng trống của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đỗ Lai Thúy là chân dung 27 nhân vật văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, những con người mà tác giả gọi là “phía sau của mặt trăng”.
Theo đánh giá của dịch giả trẻ Phạm Minh Quân, dù các nhân vật trong sách Đỗ Lai Thúy rất đa dạng, bao gồm những nhà canh tân yêu nước: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh… hay các học giả: Đào Duy Anh, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn… nhưng dường như, tác giả phát hiện ra một quán tính ở họ, và cũng như ở trí thức Việt Nam nói chung, đó là mọi con đường đều đi đến văn hóa.
“Trong tác phẩm này, Đỗ Lai Thúy lần đầu tiên tự nhận mình là một người “thám mã văn hóa” (trước đây người ta biết đến ông nhiều với tư cách là nhà phê bình văn học/văn hóa). Nhưng qua những chân dung văn hóa của từng nhân vật trong một giai đoạn lịch sử bước ngoặt vừa biến động vừa bi thời, thì Đỗ Lai Thúy đồng thời xứng đáng là một người trục vớt văn hóa.
Bởi, đối với những nhân vật vốn đã ít nhiều bị chìm khuất trong dòng chảy lịch sử, nay đã được ông đào sâu từng vỉa tầng, để soi chiếu họ dưới ánh sáng mới của đương đại, cho thấy những nỗ lực dang dở nhưng là bài học kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc ngày nay”, dịch giả Phạm Minh Quân chia sẻ.
Lịch sử thú vị hơn em tưởng (tập 1, tái bản và bổ sung, NXB Hội Nhà văn) của tác giả Đỗ Cao Sang với dung lượng 500 trang, bao gồm 3.000 bài thơ 5 chữ về lịch sử và nhân vật văn hóa Việt.
Theo tác giả Đỗ Cao Sang, cuốn sách này được in 10.000 bản gồm đây là những mẩu sự kiện, chân dung phác thảo các nhân vật nổi tiếng Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Anh cũng lựa chọn 20 chân dung từ sách của tác giả Đỗ Lai Thúy để diễn thơ theo phong cách mới.
“Có thể ví chân dung trong sách thầy Thúy như bức sơn mài công phu chi tiết còn chân dung trong sách tôi là những nét phác thảo bút chì ấn tượng. Xem sách tôi trước rồi đọc sách thầy Thúy là điều được khuyến khích. Phong cách thầy Thúy tuy hàn lâm nhưng vẫn đậm tính tự nhiên. Đó gọi là sự kết hôn của khoa học và nghệ thuật. Chỉ một vài người có phong cách ấy trong làng văn”, tác giả Đỗ Cao Sang chia sẻ.
Nói về cuốn sách này, dịch giả Phạm Minh Quân bình luận: “Đỗ Cao Sang cũng chọn văn hóa là con đường dẫn đạo và lấy một hình thức mang tính truyền khẩu dân gian là thơ để phổ biến giáo dục văn hóa. Hàng nghìn năm lịch sử văn hóa dân tộc được anh tuyển lựa, cô đọng và diễn giải theo cá tính của riêng mình. Cũng những nhân vật trong Tiếng gọi của khoảng trống, nếu Đỗ Lai Thúy tìm sâu và minh định hàn lâm, thì Đỗ Cao Sang lại khái quát hóa chân dung họ qua những bài thơ dễ hiểu, dễ thuộc, giống như một bên là chân dung nghệ thuật đi sâu vào từng chi tiết, sắc thái bản diện, còn bên kia là chân dung ký họa, cho thấy những đường nét, hình khối chấm phá”.
Tiếng gọi của khoảng trống và Lịch sử thú vị hơn em tưởng nằm trong dự án tủ sách "Thú vị hơn bạn tưởng" của tác giả, thầy giáo tiếng Anh Đỗ Cao Sang. Ban đầu, tác giả Đỗ Cao Sang xuất bản những cuốn sách như Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng, Tiếng Anh và danh nhân thế giới. Sau khi độc giả đón nhận nhiệt tình, tác giả dần chuyển đổi sang các chuyên đề khác như lịch sử, văn hóa.
“Trong bối cảnh trăm hoa đua nở của các tủ sách, thì sự xuất hiện của tủ sách Thú vị hơn bạn tưởng cũng đóng góp thêm một tín hiệu tích cực hướng tới sự lan tỏa tri thức, văn hóa đọc và hiểu biết tới bạn đọc hiện nay”, GS La Khắc Hòa chia sẻ.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hai-nguoi-thay-ho-do-ra-mat-sach-dung-dip-20-11-2082630.html