Hải Phòng đề xuất thành lập Khu thương mại tự do, giao dịch bằng ngoại tệ
Sáng ngày 13/5, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày dự thảo nghị quyết mới nhằm thay thế Nghị quyết 35/2021, với trọng tâm là thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển TP. Hải Phòng. Trong đó, đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng được xem là điểm nhấn mang tính chiến lược và đột phá.
Khu thương mại tự do Hải Phòng sẽ là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được xây dựng để thí điểm các chính sách và cơ chế đặc biệt, với mục tiêu thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển công nghiệp, nghiên cứu & phát triển (R&D) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khu vực này sẽ bao gồm nhiều phân khu chức năng như: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các phân khu khác theo quy định pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Gia Hân
Dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho UBND TP. Hải Phòng quyền quyết định việc thành lập, điều chỉnh, mở rộng Khu thương mại tự do gắn liền với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố. Việc này phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII): “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: để tăng cường tính hấp dẫn của Khu thương mại tự do, dự thảo đã đề xuất một loạt chính sách ưu đãi về đầu tư và thủ tục hành chính. Cụ thể, sẽ có các biện pháp đơn giản hóa thủ tục trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, lao động, đất đai và xây dựng. Đồng thời, dự thảo cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở phòng giao dịch tại khu này nhằm thúc đẩy hoạt động tài chính – tiền tệ.
Một điểm quan trọng là cơ chế "một cửa, tại chỗ" sẽ được áp dụng trong khu thương mại tự do, với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đóng vai trò cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp. Ban này sẽ có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép kinh doanh, bán lẻ, cũng như giấy phép lao động (bao gồm cấp mới, gia hạn và thu hồi) cho các nhà đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi, đánh giá cao tính cần thiết và ý nghĩa chính trị của đề xuất thành lập Khu thương mại tự do. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đây là vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động kinh tế - xã hội, ngân sách và cơ chế giám sát để bảo đảm an toàn tài chính và an ninh kinh tế.
Về mặt chính sách đất đai, Ủy ban cơ bản đồng thuận với việc không ràng buộc chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia, nhưng đề nghị cần có quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo minh bạch. Đồng thời, quy trình thực hiện cơ chế "một cửa" cần được rà soát để đảm bảo đơn giản, rõ ràng, kịp thời và phù hợp với năng lực thực thi của Ban Quản lý.
Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế, ông Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban tán thành việc áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự các khu kinh tế hiện hành, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ thời hạn áp dụng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh bởi thuế tối thiểu toàn cầu, cần thực hiện theo đúng quy định quốc tế tương ứng.