Hải Phòng được quy hoạch phát triển với 3 mũi đột phá nào?
Thành phố Hoa phượng đỏ được quy hoạch trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Địa phương này cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn thành phố...
Thực hiện nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng địa phương, chiều 10/7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Thẩm định quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã sơ bộ trình bày Quy hoạch với 3 đột phá phát triển cho Hải Phòng trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đột phá thứ nhất là cảng biển và logistics. Theo đó, xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đột phá thứ hai của Hải Phòng là chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đề Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Đột phá thứ ba là du lịch. Theo đó, quy hoạch nêu rõ mục tiêu xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh của thành phố. Liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao thành phố Hải Phòng đã có nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và lập Quy hoạch, với những định hướng phát triển Khu Kinh tế mới; Khu Thương mại tự do…
Đồng thời ông Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đây là cơ hội quý để Hải Phòng đánh giá lại quá trình phát triển, nhận diện rõ đâu là tiềm năng, đâu là điểm nghẽn, rào cản; xác định thời gian tới sẽ làm gì để tận dụng các cơ hội phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Hải Phòng hiện vẫn tồn tại 5 yếu điểm nếu không được khắc phục, sẽ rất khó bứt phá phát triển kinh tế biển nói riêng và toàn bộ kinh tế Hải Phòng nói chung.
Đó là dịch vụ cảng còn manh mún trong tổ chức, không hình thành được hệ thống tổ chức logistics hiện đại và không giảm được chi phí logistics trên mỗi đơn vị hàng hóa; chậm triển khai 4 bến cảng Lạch Huyện. Đáng lo ngại nhất lả suốt hàng thập kỷ qua, hầu hết hoạt động vận tải biển đều do các công ty nước ngoài đảm nhận.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thủy vốn là một trong những thế mạnh của Hải Phòng, nhưng hiện gặp không ít khó khăn khi muốn phục hồi lại vị thế và vai trò cần có. Du lịch biển Hải Phòng cũng có thể coi là một khâu yếu nếu so sánh với một số tỉnh, thành phố ven biển khác như: Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hai-phong-duoc-quy-hoach-phat-trien-voi-3-mui-dot-pha-nao.htm