Hải Phòng: Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm chuẩn bị diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước tới nay
Với những giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng đặc biệt, lễ hội truyền thống và cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Chỉ còn 2 ngày nữa (15 tháng Giêng), lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm (quận Hải An, Hải Phòng) sẽ được diễn ra với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, năm nay, Cụm Di tích lịch sử Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
![Từ Lương Xâm, căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 hiện nay.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/4d028b82bfcc56920fdd.jpg)
Từ Lương Xâm, căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 hiện nay.
Rộn ràng lễ hội Từ Lương Xâm
Trong những ngày này, khắp các làng trên, xóm dưới của quận Hải An, không khí chuẩn bị cho ngày tế lễ ở Từ Lương Xâm rộn ràng hơn bao giờ hết. Nhà nhà gác việc cá nhân, tiểu thương dừng việc chạy chợ, ngư dân cũng gác chèo lưới... để dành trọn cho ngày khai hội quan trọng này. Trong tín ngưỡng người dân quận Hải An, lễ hội của Từ Lương Xâm bao giờ cũng quan trọng nhất.
Cụ Phạm Văn Xuân, 80 tuổi - Phó ban Khánh tiết Đền Ngô Quyền, một trong những cao nhân gắn bó với Từ Lương Xâm từ mấy chục năm qua, kể lại: "Khi còn nhỏ, tôi thường cắp chiếu theo các cụ trong họ ra Từ Lương Xâm trải chiếu để xem tế lễ mỗi dịp Tết hay giỗ nhà Ngài. Sở dĩ có tên gọi Từ Lương Xâm bởi ngôi đền này nằm trên đất làng Lương Xâm. Người dân địa phương thường quan niệm, Từ to hơn Đền nên khi lập ngôi đền này đã lấy tên là Từ Lương Xâm".
![Cụ Xuân kể lại những kỷ niệm với ngôi đền thiêng này.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/66e3a563912d7873213c.jpg)
Cụ Xuân kể lại những kỷ niệm với ngôi đền thiêng này.
Theo lời cụ Xuân, Từ Lương Xâm trước đây do người dân 2 làng Lũng Đông và Lương Xâm thay nhau trông coi. Thời đó, làng Lũng Đông được gọi là làng trên và Lương Xâm được gọi là làng dưới, hay còn gọi là làng Dầm hay Lãng Thâm (chỉ vùng đất trũng thấp).
Trải qua thời gian, đến nay Lương Xâm chỉ còn một nửa làng, Sau cơn bão biển năm 1955, đê Tràng Cát bị vỡ gây lụt lội trên diện rộng, nhân dân cạo chua, rửa mặn, đắp lại đê điều và đào mương An Kim Hải chạy qua địa phận Lương Xâm, chia một phần đất Lương Xâm về Đằng Hải, một phần của Lương Xâm với thôn Xâm Bồ lập thành địa giới phường Nam Hải như hiện nay.
Mỗi dịp vào hội của Từ Lương Xâm, gần như cả tổng Lương Xâm đều gác việc, tập trung về đình làng nơi mình ở từ sáng sớm tinh mơ, diện quần áo đẹp chỉnh tề, chuẩn bị nối nhau rước lễ tới Từ Lương Xâm. Bởi với họ, Đức vương Ngô Quyền là Thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng. Trải qua nhiều sự việc và chứng nghiệm, người dân càng tin những điều tâm linh ở ngôi đền này. Và Ngài trở thành niềm trao gửi tín ngưỡng của người dân trong vùng; thậm chí người cầu danh hay cầu thi cử đỗ đạt... đều tìm đến Từ Lương Xâm khấn cầu.
![Theo tín ngưỡng người dân địa phương, nếu kiệu bay trong lễ tế rước là điềm lành.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/afb06730537eba20e36f.jpg)
Theo tín ngưỡng người dân địa phương, nếu kiệu bay trong lễ tế rước là điềm lành.
Ngày nay, cứ vào lễ hội Từ Lương Xâm, hàng chục đoàn tế rước của các phường trong quận Hải An lại nô nức rước kiệu tới đền. Các đoàn rước đều có kiệu bát cống, kết hoa tươi, trên đặt linh vị của Đức Vương Ngô Quyền. Độc đáo nhất, mỗi khi đi ngang qua khu vực tượng đài Đức Vương Ngô Quyền, phu kiệu hò reo khi thấy “kiệu bay”, tạo hình ảnh ấn tượng, linh thiêng trong lễ hội… Những cuộc hành lễ này đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ.
Hằng năm, vào ngày 16 tháng GIêng, lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao Đức Vương Ngô Quyền - 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam lại được tổ chức.
Từ "Cả" trong Tam linh từ được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Trong hệ thống di tích thờ Đức Ngô Vương trên vùng đất Hải Phòng, di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 là công trình quy mô bề thế, kiến trúc nội công ngoại quốc, có vị trí đặc biệt trong các di tích thờ Đức vương Ngô Quyền, được xây dựng chính tại nơi ông dựng đại bản doanh, đắp thành Vành Kiệu, dựng trận địa cọc, góp phần vào chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938.
![Từ Lương Xâm, nơi từng là căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 hiện nay.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/a3ae6a2e5e60b73eee71.jpg)
Từ Lương Xâm, nơi từng là căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 hiện nay.
![Dàn nghệ sĩ đang tập luyện chuẩn bị cho sự kiện lễ hội Từ Lương Xâm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/e6492dc91987f0d9a996.jpg)
Dàn nghệ sĩ đang tập luyện chuẩn bị cho sự kiện lễ hội Từ Lương Xâm.
![Để tạo hình 2 Công chầu ở sân Đền, phải có 4 thợ làm trong 8 tiếng liên tục và cần khoảng 2.500 cành lan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/ea503ed00a9ee3c0ba8f.jpg)
Để tạo hình 2 Công chầu ở sân Đền, phải có 4 thợ làm trong 8 tiếng liên tục và cần khoảng 2.500 cành lan.
![Tượng đài Đức vương Ngô Quyền được đặt ngay sát cạnh Từ Lương Xâm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/969c401c74529d0cc443.jpg)
Tượng đài Đức vương Ngô Quyền được đặt ngay sát cạnh Từ Lương Xâm.
Hiện nay, Từ Lương Xâm (ở phường Nam Hải, quận Hải An) là 1 trong 22 di tích lịch sử trên địa bàn quận Hải An thờ Đức Vương Ngô Quyền và được suy tôn là “Từ Cả” - nơi đứng đầu phụng thờ Đức Vương Ngô Quyền ở quận Hải An và là 1 trong 3 "linh từ" của quận Hải An (di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm, Phủ Thượng Đoạn, Đền Phú Xá).
Từ Lương Xâm hiện còn lưu giữ 25 đạo sắc chính và hơn 20 sắc phong được sao lại từ năm 1522 đến năm 1924 của các triều Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong các sắc phong đó, nhiều triều đại suy tôn Ngô Quyền là "Thượng đẳng tối linh đại vương", "Ngô Vương Thiên tử" và nhiều mỹ tự. Ngoài ra, còn một số cổ vật từ khoảng thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 như sắc phong, bia đá, thần tượng, long ngai, bài vị, bát hương...
Với những giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt này, từ năm 1986, Từ Lương Xâm được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2022, lễ hội Từ Lương Xâm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tháng 1/2025, Từ Lương Xâm trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Để chuẩn bị cho công tác này, chính quyền quận Hải An đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ từ trước Tết nguyên đán cho các đơn vị trên địa bàn triển khai; xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với sự tham gia của 250 nghệ sĩ đến từ trung ương và địa phương.
![Quận Hải An sẵn sàng cho Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm và Lễ hội Từ Lương Xâm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_91_51442263/6120b1a085ee6cb035ff.jpg)
Quận Hải An sẵn sàng cho Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm và Lễ hội Từ Lương Xâm.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho lễ hội này, đại diện lãnh đạo quận Hải An cho biết: Quận Hải An đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Từ Lương Xâm – căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025. Lễ hội sẽ khai mạc vào 19h30 ngày 12/2/2025 (tức 15 tháng Giêng) và hoạt động lễ hội kéo dài đến 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025.
Đến nay, mọi công tác tổ chức cho lễ hội đã được chinh quyền quận Hải An thực hiện đồng bộ, đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch; sẵn sàng đón tiếp đại biểu và nhân dân, du khách thập phương về dự hội. Đây cũng là năm đầu tiên, lễ hội Từ Lương Xâm được tổ chức với quy mô lớn. Ngoài các hoạt động lễ tế, lễ rước, năm nay, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian như thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ người, nhẩy bao bố, viết thư pháp.
Để phục vụ sự kiện đặc biệt này, quận Hải An cho lắp dựng sân khấu chính với quy mô ấn tượng: ngang 40m, sâu 36m, cao 17m với một hồ nước phía trước sân khấu với diện tích 130m2. Sàn diễn được thiết kế với nhiều cao độ khác nhau (20cm, 1m, 1.8m, 2.6m và 4m), màn hình bao phủ với diện tích 370m2.
Theo sử sách ghi, năm 938, Ngô Quyền là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc. Với công đức của Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn ông là “Thượng đẳng tối linh Đại Vương, là Ngô Vương Thiên Tử, là vị tổ trung hưng của dân tộc”.
Khi Ngô Quyền qua đời, người dân bảo nhau đóng góp tiền của, công sức xây dựng linh từ phụng thờ, bốn mùa hương khói ngay trên khu đất ngài đắp thành vành kiệu và đóng trại quân doanh tiền phương thuở trước.
Tục truyền rằng khi dân còn băn khoăn việc chọn gỗ tạc tượng Ngô Quyền thì vào một đêm có cây gỗ lớn trôi băng băng trên sông, khi đến làng Lương Xâm thì quay tít và dừng lại. Các bô lão kéo nhau ra bờ sông khấn bái rồi sai người vớt lên, chia cho các làng tạc tượng. Làng Lương Xâm được ưu tiên chia phần gốc nên tượng Ngô Quyền to và đẹp hơn cả.