Hải Phòng muốn tái đầu tư nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon
Hải Phòng đề xuất thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; trong đó, muốn sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt “phát thải ròng” bằng 0 vào năm 2050.
Hải Phòng là một trung tâm kinh tế lớn ở miền Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố đã thành lập 18 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 7.100 ha, trong đó có 11 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 4.410 ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN đã đi vào hoạt động hiện nay lên đến hơn 70%.
Trong số các KCN hiện hữu tại Hải Phòng, KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền là 2 trong số 5 đơn vị tiên phong của cả nước tham gia chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, đến nay đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Tổ hợp KCN DeepC là một trong những đơn vị tiên phong của cả nước tham gia chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Ảnh: Huy Dung
Hải Phòng cũng đã thành lập 2 khu kinh tế (KKT), đó là KKT Đình Vũ - Cát Hải và KKT ven biển phía Nam. Trong đó, KKT Đình Vũ - Cát Hải đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lên đến hơn 80%.
Song song với phát triển kinh tế, Hải Phòng cũng đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.
Hướng tới giảm thiểu phát thải bằng 0 vào năm 2025, Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 15/9/2022 với mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính như: “Đến năm 2030: Xây dựng kịch bản các-bon thấp cho thành phố Hải Phòng cho các lĩnh vực: sử dụng năng lượng, chất thải, nông lâm nghiệp và sử dụng đất. Bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của thành phố giảm ít nhất 43.5% so với kịch bản phát triển thông thường (BaU); Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 2000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2050: Cập nhật kịch bản các-bon thấp cho thành phố Hải Phòng; bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của thành phố hướng tới phát thải ròng bằng 0; Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 2000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính”.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng công tác quản lý, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cũng như cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng cường thu ngân sách, hoàn thiện cơ chế tài chính, khai thác hiệu quả các nguồn thu.
Hải Phòng đã đề xuất thực hiện thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Theo đó, tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
UBND thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, tham khảo các địa phương đã thực hiện nội dung thí điểm này, xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon.
Theo đề xuất, UBND thành phố sẽ ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.
Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, bao gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải. Đến thời điểm tháng 2/2025, trên địa bàn thành phố có 107 cơ sở thuộc diện phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Trong đó có 98 cơ sở thuộc ngành Công Thương, 9 cơ sở thuộc ngành Xây dựng.

Hải Phòng đề xuất thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.
Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, đến trước tháng 6 năm 2025: Từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch các-bon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường các-bon.
Thị trường các-bon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ tháng 6 đến hết năm 2028, trước khi vận hành chính thức từ 2029. Hai loại hàng hóa giao dịch chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Sàn giao dịch này sẽ là công cụ giúp Việt Nam tăng chuyển đổi xanh, hướng tới lộ trình Net Zero vào 2050.
Hải Phòng cũng đặt mục tiêu Net Zero vào mốc thời gian trên. Theo kịch bản giảm thải, Thành phố sẽ tập trung vào các dự án công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng tái tạo.