Hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường dịp Tết để bảo vệ sức khỏe
Tết đến là thời điểm gia tăng nhu cầu tiêu thụ đồ uống có đường. Theo các chuyên gia, việc tiêu thụ quá nhiều đường là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra thừa cân béo phì và một loạt bệnh tật khác, trong đó có ung thư.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh các giải pháp giảm tiêu thụ đường để giảm gánh nặng bệnh tật cho sức khỏe.
Tăng tiêu thụ đồ uống có đường, tăng gánh nặng bệnh tật
Tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh qua các năm. Nếu năm 2013 mỗi người tiêu thụ 35,31 lít thì 7 năm sau, con số này tăng lên hơn 50 lít. Đặc biệt vào dịp cuối năm hay những ngày lễ, Tết, mức tiêu thụ nước giải khát có đường cũng tăng gấp nhiều lần ngày thường.
Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo có lợi cho sức khỏe là dưới 25g/người/ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vào dịp cuối năm và đầu xuân năm mới, nhiều người thường có quan điểm ăn uống vui chơi "xả láng" mà quên mất việc phải chăm chút sức khỏe cho bản thân. Các loại đồ uống có đường như nước ngọt có ga hoặc không có ga, đồ uống và nước ép từ trái cây và rau/quả, chất cô đặc dạng bột hoặc lỏng, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu... đặc biệt là nước ngọt được rất nhiều người ưa chuộng, nhất là giới trẻ.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế các loại đồ uống có đường chứa nhiều đường, cung cấp năng lượng nhanh và ít chất dinh dưỡng nên tăng tiêu thụ đồ uống có đường là yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và tăng nguy cơ ung thư. Các tế bào mỡ tạo ra các hormone gọi là adipokine có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào, có thể thúc đẩy sự tăng sinh tế bào bất thường.
WHO chỉ rõ gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường: Tăng toàn cầu về thừa cân béo phì; tăng nguy cơ sâu răng; đái tháo đường tuýp 2; tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư; tăng gánh nặng cho cá nhân và xã hội do tăng chi phí chăm sóc sức khỏe; giảm năng suất lao động do bệnh tật; ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách nào?
Từ những tác hại gây ra cho sức khỏe con người, các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường là cần thiết. BS. Ngô Thị Hà Phương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là các biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng, cấm quảng cáo, giảm tính sẵn có, tăng cường truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.
"Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong 3 chính sách hiện nay nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. WHO khuyến nghị các quốc gia triển khai kết hợp ba giải pháp: Áp thuế với đồ uống có đường; Giáo dục truyền thông; Hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và có thể khiến mọi người lựa chọn những đồ uống thay thế lành mạnh hơn" – BS. Ngô Thị Hà Phương thông tin.
Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
WHO kêu gọi Việt Nam đánh thuế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, trong đó có đồ uống có đường. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ giới trẻ. Hiện nay, Việt Nam chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, trong khi các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều dần thực hiện việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Các chuyên gia về chính sách thuế cũng đưa ra quan điểm, bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp với Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, khuyến nghị của WHO và xu thế phát triển của thế giới.
Nhiều quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tính đến 1/2024, 117 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%
Hay tại bang Philadelphia (Mỹ) sau khi thực hiện đánh thuế với đồ uống có đường là 1,5 xu/ounce thì lượng đường tiêu thụ hàng ngày ở trẻ em đã giảm 22% (15 gam) so với trước khi áp thuế; còn người lớn giảm khoảng 6 gam mỗi ngày.
Tương tự, một vài tháng sau khi đánh thuế với một loại đồ uống có đường ở California, Mỹ, những người trưởng thành có thu nhập thấp đã giảm mức tiêu thụ đường tới 21%...
Để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, người dân nên:
- Sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô…
- Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn.
- Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.
- Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.
- Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.
- Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.