Hàn Quốc có thể làm gì sau khi Nga – Triều Tiên ký hiệp ước quân sự?

Việc Nga và Triều Tiên ký hiệp ước quân sự khiến Hàn Quốc phản ứng gay gắt, đe dọa sẽ đáp trả bằng cách gửi vũ khí cho Ukraine.

Nga và Triều Tiên ký hiệp ước quân sự nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin. (Ảnh: Reuters)

Nga và Triều Tiên ký hiệp ước quân sự nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia cho rằng những bước đi đó sẽ dẫn đến một số thay đổi quan trọng về chiến lược. Nếu Seoul cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine, Kiev có thể đạt được “bước đột phá” trong cuộc xung đột với Nga.

Ngược lại, việc Mátxcơva trang bị vũ khí cho Bình Nhưỡng có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực và gây ra phản ứng quân sự từ Hàn Quốc và các đồng minh.

Cuối tuần qua, Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chang Ho-jin đưa ra cảnh báo với Nga về việc vượt qua “ranh giới đỏ” nếu cung cấp “vũ khí có độ chính xác cao” cho Triều Tiên.

Ông Chang cho biết, Hàn Quốc sẽ “xem xét lại” chính sách không cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho các quốc gia đang có chiến tranh, bao gồm Ukraine, sau khi Nga và Triều Tiên ký hiệp ước tạo nền tảng cho hai nước hỗ trợ quân sự lẫn nhau nếu một trong hai bên đối mặt với sự gây hấn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ điều này. Ông nói rằng Hàn Quốc “không có gì phải lo lắng". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo Seoul không được cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng đó sẽ là "sai lầm rất lớn".

Ông Chang không nêu rõ loại vũ khí mà Hàn Quốc có thể cung cấp cho Ukraine.

Giáo sư Park Won-gon, chuyên gia ngành khoa học chính trị của Đại học Phụ nữ Ewha, cho biết các loại vũ khí sát thương mà Hàn Quốc có thể cung cấp cho Ukraine bao gồm hệ thống phóng tên lửa đa nòng Chunmoo, pháo K9 và xe tăng K2.

“Xét về tác động đối với diễn biến cuộc xung đột, nguồn cung cấp đạn dược của Triều Tiên cho Nga sẽ nhạt nhòa nếu so sánh với việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, điều này sẽ giúp Ukraine tạo ra bước đột phá trên chiến trường”, GS Park nói với báo SCMP.

Theo chuyên gia này, sức mạnh trên không của Triều Tiên quá yếu và lạc hậu để có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trên không của lực lượng Mỹ và Hàn Quốc.

Ông cho rằng Nga khó có khả năng cung cấp vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Triều Tiên, nhưng có thể hỗ trợ hệ thống phòng không cần thiết, giống như những hệ thống đã bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sư Ilya Belykov, công tác tại Đại học Suwon Hàn Quốc, cho rằng Tổng thống Putin đang sử dụng chiến thuật “đòn gió” điển hình đối với Hàn Quốc và phương Tây.

Tuy nhiên, ông Belykov cho rằng Nga có thể cung cấp cho Triều Tiên những công nghệ ít nguy hiểm, như kỹ thuật liên quan đến các chương trình không gian và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Lee Il-woo, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Mạng lưới quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng Nga có thể sẽ cung cấp cho Triều Tiên phiên bản nâng cấp của tiêm kích MiG-29 với tên lửa không đối không nâng cấp, để có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trên không của Hàn Quốc.

Tình báo Hàn Quốc cho biết, tháng 11 năm ngoái, Triều Tiên cử một đội phi công và kỹ sư tới hỗ trợ bảo trì và vận hành máy bay quân sự nâng cấp tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng. Giới phân tích Hàn Quốc nghi ngờ công nghệ máy bay này có nguồn gốc từ Nga.

Giới quan sát cho rằng Triều Tiên sẽ tận dụng hiệp ước quốc phòng mới với Nga để thuyết phục Trung Quốc thành lập liên minh quân sự ba bên, nhằm ngăn chặn hoạt động phối hợp của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Sun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, cho rằng Bắc Kinh không muốn thành lập liên minh ba bên với Triều Tiên và Nga vì muốn “để ngỏ các lựa chọn của mình”.

Thu Loan

Theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/han-quoc-co-the-lam-gi-sau-khi-nga-trieu-tien-ky-hiep-uoc-quan-su-post1649320.tpo