Hàng chục ngàn shop online... không bán được đơn hàng nào trong suốt nửa năm

Nửa đầu năm 2025, thị trường thương mại điện tử lại tiếp tục chứng kiến đà giảm mạnh về số lượng nhà bán hàng (shop) phát sinh đơn hàng.

Theo thống kê của nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ với 4 sàn Shopee, Tiki, Lazada và TikTok Shop đã thu về hơn 202 ngàn tỉ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng hàng hóa bán ra đạt gần 1924 triệu sản phẩm, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.

Hàng ngàn shop không có đơn trong 6 tháng đầu năm

Mặc dù tăng trưởng, song thị trường TMĐT Việt trong nửa đầu năm lại tiếp tục chứng kiến đà giảm mạnh về số lượng nhà bán hàng (shop) phát sinh đơn hàng. Cụ thể giảm hơn 80.000 nhà bán hàng so với 6 tháng đầu năm 2024 và giảm hơn 55.000 nhà bán hàng so với 6 tháng cuối năm 2024.

Diễn biến trên cho thấy sự đào thải ngày càng khốc liệt trong TMĐT, khi thị trường đang tập trung vào nhóm nhà bán hàng lớn có khả năng duy trì đơn hàng ổn định.

Thực tế, số liệu của báo cáo chỉ ra các shop mall, tức nhà bán hàng chính hãng, dù chiếm tỉ trọng ít, song lại có đóng góp doanh thu vượt trội và ngày càng chiếm ưu thế trong lòng người mua hàng.

 Shop mall ngày càng được người dân ưa chuộng khi lựa chọn mua sắm. Ảnh: THU HÀ

Shop mall ngày càng được người dân ưa chuộng khi lựa chọn mua sắm. Ảnh: THU HÀ

Đơn cử trên Shopee và TikTok Shop, tỉ trọng shop mall chỉ chiếm 3,4% trong tổng số shop nhưng đóng góp đến gần 29% trong tổng doanh số của hai nền tảng này.

“Có thể thấy, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh về các thương hiệu uy tín. Điều này phản ánh tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe và đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan"- đại diện Metric.vn đánh giá.

Báo cáo của đơn vị này cũng nêu ra sự dịch chuyển đáng kể về cấu trúc thị phần của các sàn TMĐT. Trong khi các nền tảng giải trí kết hợp mua sắm chứng kiến đà gia tăng về cả doanh số lẫn thị phần, thì các nền tảng TMĐT lâu năm lại đang đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, tiêu biểu như Lazada và Tiki. Thậm chí Sendo còn thay đổi mô hình kinh doanh, từ TMĐT sang kinh doanh nông sản online.

“Rõ ràng có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng. Đây là tín hiệu để các sàn TMĐT điều chỉnh chiến lược, chú trọng đầu tư vào trải nghiệm nội dung và bán hàng tương tác trực tiếp”- Metric.vn đề xuất.

Hàng tầm trung dễ lọt túi người dùng

Ngoài đánh giá tổng quan thị trường, báo cáo của Metric.vn còn đi sâu vào từng ngành hàng và giá trị mua hàng.

 Người tiêu dùng Việt vẫn ưa chuộng các sản phẩm tầm trung. Ảnh minh họa: THU HÀ

Người tiêu dùng Việt vẫn ưa chuộng các sản phẩm tầm trung. Ảnh minh họa: THU HÀ

Theo đó, 6 tháng đầu năm, ngành hàng làm đẹp dẫn đầu doanh số với gần 36 tỉ đồng, theo sau là nhà cửa đời sống với xấp xỉ 26,9 tỉ đồng và thời trang nữ là 26,7 tỉ đồng. Còn vị trí còn lại thuộc về bách hóa – thực phẩm, thời trang nam, điện gia dụng, mẹ - bé…

Tuy nhiên nếu xét về sản lượng hàng bán ra thì ngành nhà cửa - đời sống lại dẫn đầu với 365 triệu sản phẩm được tiêu thụ, tiếp đến là làm đẹp với gần 286 triệu sản phẩm và ngành hàng bách hóa - thực phẩm với 135 triệu sản phẩm và phụ kiện thời trang với 118 triệu…

Đáng chú ý, theo đại diện Metric.vn, trong nhiều ngành hàng nêu trên đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực của các thương hiệu Việt, đặc biệt là shop mall.

Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, các thương hiệu Việt đang dần thể hiện được lợi thế sân nhà khi luôn lọt vào nhóm 5 thương hiệu/nhà bán hàng có doanh số cao nhất 6 tháng đầu năm.

Một số cái tên nổi trội ở ngành hàng thời trang nam và nữ thì có Coolmate, Julido, Ecochic, Sixdo... Với nhóm ngành hàng thực phẩm bách hóa có thương hiệu Ăn cùng Bà Tuyết, TH true milk, Vinamilk. Hay thương hiệu Topgia cũng lọt nhóm 5 nhà bán hàng có doanh số cao nhất ở ngành hàng nhà cửa - đời sống...

Đối với khả năng chi tiêu của người dân trong nửa đầu năm 2025, Metric.vn cho biết giá bình dân chiếm ưu thế. Cụ thể các sản phẩm có giá 100.000 - 200.000 đồng dẫn đầu về cả doanh số, lẫn sản lượng, chiếm hơn 26% thị phần phân khúc giá trên 4 sàn TMĐT.

Tiếp đến là phân khúc 200.000 – 500.000 đồng, chiếm 16.5%. Ngược lại phân khúc trên 1 triệu đồng lại giảm thị phần so với cùng kỳ, từ 16,3% xuống còn hơn 15%.

Sự dịch chuyển trên chính là dấu hiệu thận trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng, họ ưu tiên các sản phẩm có giá cả tầm trung, hợp lý, vừa túi tiền. Theo Metric.vn, xu hướng này thể hiện mạnh mẽ nhất ở các ngành hàng phổ biến như thời trang, gia dụng, mẹ và bé...

Dù vậy, đại diện của Metric.vn tin rằng, quý 3-2025 thị trường TMĐT tiếp tục đà tăng với mức dự báo về doanh thu số đạt gần 123 tỉ đồng và khoảng 1236 triệu sản phẩm được bán ra, lần lượt tăng 21% và 27% so với quý 2-2025.

Động lực tăng trưởng này được cho là nhờ vào thói quen chi tiêu online, sự đầu tư của các nền tảng trong logistics, cùng với đó là các dịp khuyến mãi lớn đến từ sàn và nhà bán.

Hàng nhập khẩu qua sàn TMĐT có xu hướng tăng

Dù không có chi tiết số lượng ở đầy đủ các sàn, tuy nhiên nhìn vào thị phần hàng hóa trên sàn S., Metric.vn cho biết các nhà bán hàng ngoại đang tích cực mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Theo đó trong 6 tháng đầu năm 2025, nhóm hàng nhập khẩu tại sàn này ghi nhận doanh số đạt 7.5 ngàn tỉ đồng với hơn 164 triệu sản phẩm bán ra, tốc độ tăng trưởng doanh số đạt hơn 6,6%, với giá trung bình mỗi sản phẩm ở mức 45.000 đồng.

Theo Metric.vn, dù nhóm hàng này đang chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu hàng hóa, song các nhà bán hàng vẫn nên thận trọng và tận dụng lợi thế "sân nhà" để phát triển.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-chuc-ngan-shop-online-khong-ban-duoc-don-hang-nao-trong-suot-nua-nam-post862126.html