Hàng loạt công ty Sông Đà nợ cổ tức, cổ đông khóc ròng
Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm Sông Đà đang lâm vào vòng xoáy tài chính đầy rủi ro, với hàng loạt lần hoãn chi trả cổ tức kéo dài hàng chục năm...

Nhiều công ty thuộc "họ" Sông Đà đang khiến cổ đông đứng ngồi không yên khi liên tục lùi lịch chi trả cổ tức, một số khoản nợ thậm chí đã kéo dài cả thập kỷ. Đồng thời, tình trạng tài chính yếu kém, các khoản công nợ khó đòi và sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục đang phủ bóng lên bức tranh kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này.
Trong một động thái gây thất vọng lớn cho cổ đông, Công ty Cổ phần Sông Đà 12 (mã chứng khoán: S12) vừa thông báo hoãn chi trả cổ tức năm 2011 thêm ba năm, từ ngày 30/6/2025 dời sang 30/6/2028. Đây đã là lần thứ mười, cổ tức bị hoãn – một kỷ lục buồn bắt đầu từ việc chốt quyền vào tháng 10/2014. Lý do được S12 viện dẫn vẫn là "đang cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh", và "chưa thu hồi được công nợ từ tổ chức, cá nhân".
Cái khó về tài chính tại S12 không chỉ thể hiện ở việc trì hoãn trả cổ tức. Báo cáo kiểm toán năm 2024 từ Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ra hàng loạt vấn đề đáng báo động. Trước hết là khoản đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Sông Đà 12 Nguyên Lộc, được đánh giá đã “mất trắng” khi doanh nghiệp không thể liên lạc, không có báo cáo tài chính trong nhiều năm.
Ngoài ra, khoản công nợ phải trả gần 35 tỷ đồng cũng không thể đối chiếu, do nhiều đối tác không còn hoạt động hoặc mất liên lạc. Điều này dẫn đến tình trạng "mù mờ" trong quản lý nợ và nguy cơ bị kiện từ các nhà cung cấp hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình trạng tài chính tồi tệ hơn nữa khi lỗ lũy kế đã vượt 233 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 167 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Kiểm toán nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động của công ty và S12 chưa có bất kỳ giải trình nào rõ ràng cho vấn đề này.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu S12 đang ở trạng thái duy trì hạn chế giao dịch do tổ chức có đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu âm trong Báo cáo tài chính năm 2022, đưa vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ ba năm liên tiếp trở lên. S12 đang có mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu.

Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra tại Công ty Cổ phần Sông Đà 4 (mã chứng khoán: SD4), nơi cổ đông vẫn đang “đợi mòn mỏi” khoản cổ tức năm 2016. Sau 13 lần thất hứa, SD4 lại tiếp tục lùi thời hạn chi trả thêm một năm nữa, đến 30/6/2026, với lý do chưa thu hồi được công nợ từ các chủ đầu tư.
Số tiền cổ tức này, tuy không lớn khoảng 15,5 tỷ đồng cho hơn 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành nhưng là lời hứa chưa từng được thực hiện. Cùng với đó, SD4 cũng đang đối mặt với loạt vấn đề tài chính. Báo cáo kiểm toán 2024 từ Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã đưa ra ý kiến ngoại trừ, đặc biệt liên quan đến các khoản phải thu lên tới hơn 200 tỷ đồng, nhưng chỉ trích lập dự phòng vẻn vẹn hơn 7 tỷ đồng.
Tình trạng “sổ sách không rõ ràng” còn thể hiện ở các khoản công nợ chưa được đối chiếu như gần 201 tỷ đồng phải thu khách hàng, gần 7 tỷ đồng tạm ứng, và hơn 117 tỷ đồng nợ phải trả. Đáng chú ý, khoản phải thu từ Tổng công ty Sông Đà trị giá 18 tỷ đồng tiền lãi chậm trả tại công trình Thủy điện Xekaman 1, được ghi nhận vào doanh thu năm 2022 nhưng kiểm toán không thể xác nhận tính hợp lệ.
Một lần nữa, công ty đưa ra lý do quen thuộc, "đặc thù ngành xây lắp kéo dài, cần thời gian xác nhận công nợ”. UHY thẳng thắn chỉ ra, SD4 có lỗ lũy kế hơn 160 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 7,8 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Ngoài ra, công ty còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 31 tỷ đồng và nợ thuế hơn 55 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, dù không nằm trong diện hạn chế giao dịch như cổ phiếu S12, nhưng SD4 cũng chỉ có giá 2.100 đồng/cổ phiếu và gần như không có thanh khoản trong thời gian dài.
Không dừng lại ở đó, một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Sông Đà là Công ty Cổ phần Simco Sông Đà (mã chứng khoán: SDA) cũng tuyên bố không thể trả cổ tức năm 2011 và 2013 như kế hoạch, xin lùi hạn đến tận năm 2027. Nguyên nhân được đưa ra là "khó khăn bất khả kháng", bắt nguồn từ việc Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2013–2018 đã sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào dự án khai thác đá marble tại Myanmar, và cho đến nay, nguồn tài chính vẫn chưa thể xoay xở để hoàn trả cổ tức cho cổ đông.
Cổ phiếu SDA đang giao dịch ở mức 2.800 đồng/cổ phiếu và đã bị hạn chế giao dịch từ 21/5/2025. Đáng chú ý, ngày 27/6 vừa qua mã này đã tăng trần tới gần 8%, với khối lượng giao dịch lên tới 125.500 đơn vị.