Hàng ngàn mô hình sinh kế giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững được đầu tư hơn 44.600 tỷ đồng. Cùng với đó, các địa phương đã huy động được hơn 8.100 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Từ các nguồn vốn trên, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, hàng ngàn mô hình sinh kế được triển khai, giúp hàng ngàn hộ dân giảm nghèo bền vững.

Đường tới các thôn, bản xa xôi đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho giao thương. Ảnh: Bích Nguyên

Đường tới các thôn, bản xa xôi đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho giao thương. Ảnh: Bích Nguyên

Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã quan tâm đầu tư nguồn vốn cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn thực hiện chương trình đã được đầu tư cho 2.716 công trình xây dựng mới, trong đó: 1.582 công trình giao thông, 284 công trình thủy lợi, 407 công trình giáo dục, 41 công trình y tế, 100 công trình nước sạch, 169 công trình văn hóa, 55 công trình điện, 77 công trình khác và 1.586 công trình duy tu bảo dưỡng. Nhờ đó, đã hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại các huyện nghèo, xã nghèo.

Các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương huy động được cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 9.368 dự án, mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh (vượt xa mục tiêu hỗ trợ trên 1.000 mô hình theo kế hoạch) với hơn 213.000 hộ, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tham gia. Qua đó, thực hiện mục tiêu tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phần lớn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, hướng nghiệp, kết nối thị trường lao động thông qua gần 6.300 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho gần 125.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vượt mục tiêu tối thiểu 100.000 lao động theo kế hoạch. Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, có khoảng 40% người có khả năng lao động được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp để đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện 4.941 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn vừa qua, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm đều qua các năm. Cụ thể, năm 2022 giảm 1,17%, năm 2023 giảm 1,1%, năm 2024 giảm 1%. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 1,93%, đạt chỉ tiêu giảm 1-1,5%/năm được giao. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Đáng ghi nhận là, tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn đạt 35,18%, vượt chỉ tiêu giảm 30% được giao (19/54 xã) và 3 huyện nghèo thoát nghèo. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2025 duy trì mức giảm 0,8-1%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2025 giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo năm 2025 giảm từ 4-5%/năm. Đến hết năm 2025, có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt mục tiêu Quốc hội giao đến năm 2025.

Đối với mục tiêu về cải thiện dinh dưỡng, việc thực hiện chương trình giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 16 tuổi xuống còn 26,43%, vượt chỉ tiêu dưới 34% được giao. Theo đó, gần 200.000 trẻ dưới 16 tuổi và hơn 130.000 phụ nữ mang thai được hỗ trợ bổ sung vi chất dinh; trên 750.000 hộ dân được tư vấn dinh dưỡng.

Trong khi đó, công tác nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng cũng đã được triển khai bài bản. Phần lớn cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng quản lý và triển khai chương trình. Tính chung từ năm 2012 đến hết năm 2024, các địa phương đã tổ chức trên 5.500 lớp tập huấn cho hơn 600.000 lượt cán bộ; 900 đoàn học tập kinh nghiệm với hơn 21.000 người; gần 1.500 cuộc đối thoại chính sách với gần 100.000 người tham gia.

Người dân được hỗ trợ vay vốn, tập huấn để phát triển sinh kế từ chính nghề truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân được hỗ trợ vay vốn, tập huấn để phát triển sinh kế từ chính nghề truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Bích Nguyên

Tập trung giải ngân đạt hiệu quả

Bộ Tài chính cho biết, tổng vốn ngân sách Trung ương phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 44.607,6 tỷ đồng (19.856 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 24.751,6 tỷ đồng vốn sự nghiệp), trong đó, kế hoạch vốn năm 2025 đã giao 9.889,312 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương. Đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 79% so với kế hoạch. Trong đó, 91% vốn đầu tư phát triển và 67% vốn sự nghiệp. Tính đến hết tháng 2/2025, tiến độ giải ngân nhìn chung còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Vốn đầu tư phát triển giao năm 2025 giải ngân đạt khoảng 13,16% kế hoạch. Vốn sự nghiệp giải ngân đạt khoảng 3,1% so với dự toán được giao.

Việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là không còn đối tượng hỗ trợ (như: đối tượng đào tạo nghề, đối tượng tham gia các lớp tập huấn về hỗ trợ phát triển sản xuất...) hoặc đối tượng theo dự tính ban đầu đã đủ diều kiện ra khỏi đối tượng hỗ trợ của chương trình (như: xã đạt chuấn nông thôn mới, huyện thoát nghèo...). Định mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung (như: mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng đào tạo nghề, mức hỗ trợ phát triển sản xuất...) còn thấp, dẫn tới không tạo sự khuyến khích các đối tượng tham gia thực hiện.

Có một thực tế đó là, một số địa phương chưa thực sự chủ rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch, gặp lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới, nên còn mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án, không kịp thời hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện để phân bổ, giao kế hoạch. Bên cạnh đó, còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực sự chủ động ban hành, quyết định những vấn đề đã được phân cấp theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán, kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước tại các cấp. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình năm 2025 tại Trung ương và địa phương, đảm bảo quá trình triển khai thực hiện chương trình được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội giao.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hang-ngan-mo-hinh-sinh-ke-giup-giam-ti-le-ho-ngheo-post489108.html