Hàng triệu ô tô sẽ phải lắp camera hành trình nếu dự thảo này thông qua
Theo đề xuất của Bộ Công an, xe cơ giới khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình); thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe…
Bộ Công an đề xuất ô tô cá nhân phải lắp camera hành trình
Trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi trình Quốc hội xem xét, Bộ Công an có đề xuất một trong những điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đó là cần có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình), thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Nếu quy định trên có hiệu lực, như vậy ô tô cá nhân sắp tới có thể cũng bắt buộc phải lắp đặt camera hành trình. Nó sẽ tác động tới hàng triệu ô tô cá nhân đang lưu hành trên cả nước. Khi Luật được ban hành cũng sẽ đi kèm các quy định, chế tài xử lý nếu chủ xe vi phạm.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 47/2022, xe ô tô kinh doanh vận tải lần đầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Dữ liệu được truyền về cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Riêng với xe ô tô cá nhân, dù chưa quy định nhưng thời gian qua nhiều chủ phương tiện đã tự trang bị hệ thống camera hành trình. Việc lắp camera chủ yếu với mục đích theo dõi, ghi lại hình ảnh bên ngoài xe trong quá trình tham gia giao thông, chứ không dùng để quan sát phía trong xe.
Dữ liệu thu thập từ camera hành trình sẽ do chủ xe quản lý (không có nghĩa vụ chia sẻ với người khác), sử dụng tùy vào mục đích của mình, ví dụ như giải quyết các tranh chấp liên quan đến pháp lý, bảo hiểm nếu xảy ra va chạm.
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất việc lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng chưa có thông tin cụ thể về việc dữ liệu từ các thiết bị này có phải truyền về hệ thống quản lý của cơ quan chức năng hay không.
Cập nhật quy định mới nhất về lắp đặt camera hành trình
Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP), việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera cho xe ô tô kinh doanh vận tải được quy định như sau:
Các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải, thuộc đối tượng phải lắp đặt camera theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu, phải trang bị thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera để được cấp phù hiệu và biển hiệu.
Thời gian thực hiện: Từ ngày 01/7/2023, các thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 47/2022/NĐ-CP, xe ô tô được cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (bao gồm cả người lái) đã được cấp phù hiệu và biển hiệu trước ngày Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực, tiếp tục được phép sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.
Bắt buộc lắp camera hành trình đối với những loại xe nào?
Căn cứ vào khoản 2 điều 13 và khoản 2 điều 14 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP các phương tiện sau bắt buộc phải lắp camera hành trình trên xe:
- Ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 người trở lên (bao gồm người lái xe).
- Các phương tiện ô tô vận tải hàng hóa bằng Container hay xe đầu kéo.
Lộ trình lắp đặt camera hành trình đã được Nghị định 10/2020 ban hành, đề ra rằng việc lắp đặt camera hành trình trên các loại xe phải hoàn thành trước ngày 01/7/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh thời hạn xử phạt vi phạm không lắp đặt camera hành trình cho các loại xe cho đến hết ngày 31/12/2021, thông qua Nghị quyết 66/NQ-CP năm 2021.
Từ ngày 01/01/2022 đối với các phương tiện bắt buộc phải có camera hành trình nếu không đảm bảo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ngoài ra trong Nghị định 10/2020 cũng quy định rõ ràng việc lắp đặt camera hành trình đảm bảo các yêu cầu về mặt hình ảnh và không gian lưu trữ cụ thể như sau:
Thời gian lưu trữ tối thiểu 24h đối với hành trình ≤ 500km.
Thời gian lưu trữ tối thiểu 72h đối với các phương tiện có hành trình > 500km.
Mức phạt đối với phương tiện không lắp đặt camera hành trình
Theo quy định của Chính phủ từ năm 2022 các phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt camera hành trình nhưng không thực hiện thì cả người điều khiển phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải đó đều sẽ bị xử phạt theo quy định cụ thể như sau:
Cùng với việc bị phạt tiền, đơn vị kinh doanh vận tải cũng bị buộc phải lắp camera theo quy định, theo điểm h khoản 11 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Lưu ý: Theo khoản 12 và khoản 13 của Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu đơn vị kinh doanh vận tải lắp camera hành trình nhưng không thực hiện ghi và lưu trữ hình ảnh trên xe hoặc sử dụng biện pháp làm sai lệch dữ liệu của camera được lắp trên xe, cả người điều khiển và đơn vị kinh doanh đều sẽ bị phạt tiền như khi vi phạm không lắp camera hành trình.