Hàng vạn người đội mưa rét về dự Lễ khai hội chùa Bái Đính năm 2023
Sáng nay (27/1), hàng vạn người đội mưa rét đổ về dự Lễ hội chùa Bái Đính năm 2023. Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ ngày 6/1/2023 đến hết tháng 3/2023 Âm lịch tại chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình).
Cách Hà Nội 100km, cách trung tâm TP Ninh Bình khoảng 12km, từ 4h sáng nay, hàng vạn người đã nườm nượp từ các ngả đường đổ về chùa Bái Đính.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã gióng trống khai hội chùa Bái Đính. Đây là một trong các lễ hội lớn nhất miền Bắc vào những ngày đầu xuân năm 2023, mở đầu cho những lễ hội hành hương về miền đất Phật, vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Ý nghĩa Lễ hội chùa Bái Đính cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, người dân ấm no hạnh phúc. Chùa Bái Đính hiện là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng, chuông đồng thuộc diện lớn nhất Đông Nam Á. Đáng chú ý, ngồi chùa này được sắp xếp hàng trăm tượng Phật tại hành lang.
Lễ hội chùa Bái Đính sẽ được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu. Trong nghi thức này, các tu sĩ trong chùa sẽ mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiếp tục đến với phần hội. Phần hội, sẽ bao gồm có các trò chơi dân gian, ngắm cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù hoặc tham gia vào các hoạt động khám phá hang động.
Đặc biệt, trong phần sân khấu hóa do Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lại lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận và lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế.
Khoảng 1.000 năm về trước, tại kinh đô Hoa Lư có ba triều đại Vua nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là Quốc giáo; cho nên tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An.
Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1.700 ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hóa và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh..được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư.
Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Chính vì thế, nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Chùa Bái Đính cổ được tu bổ Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam.
Khu chùa này quay hướng chính tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.
Năm 1997, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng cấp quốc gia. Dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
Ngày 28/2/2012, chùa Bái Đính có 8 kỷ lục chùa lớn nhất châu Á được xác lập, gồm:
Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.
Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
Tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chuông nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
Bảo Tháp cao nhất châu Á: Bảo Tháp chùa Bái Đính (Ninh Bình) có 13 tầng, cao 100m.
Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam. Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.