'Hành quân' nơi đầu sóng

Kỳ 1: Trên hải trình 360 giờ, lẻ 40 phút

Chính xác là 15 ngày. Và đó là chuyến công tác xa đất liền dài gần gấp đôi thời gian dự kiến: Thiếu đồ dùng cá nhân, nhỡ kế hoạch công việc và bặt tin với người thân, gia đình cộng thêm điều kiện thời tiết bất lợi, tin bão liên tục báo về... Những nhà báo có mặt trên con tàu Trường Sa 21 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã có một chuyến hải trình đầu Xuân đầy bão bùng sóng gió với những kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của mình.

Những chuyến tàu rời cảng

15 ngày chân không chạm đất, tàu chúng tôi do Đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm Trưởng đoàn; Thượng tá Nghiêm Xuân Thái (người con của quê hương Vĩnh Phúc), Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 làm Phó Trưởng đoàn đã chở theo những phần quà Tết, chở theo hơi ấm đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang làm nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1, thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc...

Những phần quà chuẩn bị vượt sóng

Những phần quà chuẩn bị vượt sóng

Tròn nửa năm từ ngày chúng tôi về bờ, những bài báo đã đăng, những hình ảnh về biển đảo thân yêu đã kịp thời lan tỏa và nhuận bút cũng đã được nhận... nhưng, vẫn còn nhiều câu chuyện mà chúng tôi chưa có dịp chia sẻ - Chuyện bên lề tác nghiệp!

Hôm nay đây, lần giở từng dòng nhật ký ghi vội trên chiếc điện thoại trong những ngày tháng ấy, cảm tưởng như cơn say sóng lại bất chợt ập đến, nước mắt vẫn rơi vì những xúc động, nghẹn ngào...

Đúng 9h 15phút ngày 26/12/2022, tại cảng Lữ đoàn 171 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ba hồi còi rúc lên, hai con tàu Trường Sa 10 và Trường Sa 21 chầm chậm rời bến. Ở phía cảng chỉ còn thấy một màu trắng của sắc phục Hải quân, một màu đỏ của lá cờ Tổ quốc và thăm thẳm xanh màu nước, màu trời…

Đất liền chào tạm biệt

Đất liền chào tạm biệt

Những cái vẫy tay của CBCS tiễn đoàn cứ xa hút dần về phía ấy. Từ đây, chúng tôi biết mình phải bắt đầu tập quen với nếp sinh hoạt của những người ngày đêm “gối tay sóng, ngủ đầu gió”.

Chúng tôi lúc mới lên còn nói cười giòn giã. Nhưng chỉ vài tiếng sau khi tàu rời cảng là gần như tắt cả tiếng lẫn hình. Dưới mạn tàu sóng nghiêng chao đảo chẳng theo một vũ điệu nào. Nhìn qua cửa sổ, tàu chao một nhịp trời lại liền một nhịp biển. Xanh biếc như nhau. Mênh mông vô tận như nhau.

Nỗi nhớ nhà bắt đầu dềnh lên theo ngọn sóng. Sóng cấp 1 rồi dần cấp 5,6,7… lúc đấy chẳng ai còn sức mà nhớ nhà, chẳng ai còn họa được trong đầu là sẽ chụp cảnh gì, ghi hình nào cho đắt giá… Tất cả đều hỏi túi ni lông ở đâu, còn hay hết? Hô hào mượn thêm vài cái chậu… Say như thể chưa bao giờ được say. Những cơn say không có trong hình dung và tưởng tượng.

Nhà báo Nguyễn Thị Thúy (Đài PT-TH Thanh Hóa) vừa mới đây thôi còn “cười được mùa” khi nghe nói Vùng 2 Hải quân có loại hàu to bằng cái chậu. Vậy mà khi cơn say sóng bắt đầu ập đến, chị nằm khóc rưng rức như trẻ con rồi bỏ bữa.

Bữa cơm trên biển

Bốn người trong căn phòng vỏn vẹn vài mét vuông được bố trí một chiếc giường nửa mét, vậy mà cũng thành thừa, cũng thấy thênh thang quá đỗi. Ai cũng xí phần dưới sàn tàu cho dễ lắc lư theo nhịp chao của sóng. Một gối, một chăn, một chai nước lọc, thêm chiếc chậu ôm sẵn trong lòng... nhiều anh chị em nằm li bì cả ngày lẫn đêm để “chiến đấu” với những cơn say sóng.

Mâm cơm lúc nào cũng thiếu người vì còn bận... say sóng

Mâm cơm lúc nào cũng thiếu người vì còn bận... say sóng

Các anh nuôi trên tàu thay phiên nhau khi thì mang cháo, cơm nắm muối vừng, khi thì ngô luộc đến tận phòng, lay gọi từng người rồi ân cần dặn dò, động viên: “Hải trình còn dài lắm. Các anh chị em cố gắng ăn một chút để có sức mà lên nhà giàn”. Nhưng cố lắm cũng chỉ đáp lại được mỗi “vâng”.

Nói đến hậu cần, chẳng ai vất vả hơn các anh nuôi. Ở đây, chúng tôi được phục vụ nhiều hơn 3 bữa/ngày. Tổ phục vụ gần 10 người (đó là đã tăng cường thêm lực lượng thường trực lúc tan ca) phục vụ cho cả đoàn gần năm chục người. Công việc của các anh bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc có lẽ phải quá 22h sau khi hoàn tất việc dọn dẹp cho bữa ăn khuya.

Những bữa cơm trên tàu đủ rau, thịt, canh, cá; có kèm thêm cháo, mì, miến cho những ai say quá không ăn được cơm… Cơm thì hên xui vậy. Có bữa phô bày được sự dẻo thơm của loại gạo ngon đặc sản của vựa lúa miền Tây, có hôm thì coi như là tiện để chuyển sang nấu cháo…

Những suất ăn luôn được chuẩn bị chu đáo

Những suất ăn luôn được chuẩn bị chu đáo

Lúc nào tỉnh táo, xuống được bếp ngồi ăn cơm là chúng tôi lại gặp các anh cười nói, phục vụ chúng tôi từng đôi đũa, muỗng thìa. Chỉ dẫn chúng tôi ngồi chỗ này, chỗ kia cho thoáng để bớt say. Rồi ân cần xới cho chúng tôi từng muôi cơm, chỗ phần cơm ngon nhất.

Các anh bảo rằng, ở đây có anh còn hơn cả nghệ sĩ, chỉnh lửa rất đẹp, sao cho lửa không lên ngọn và có màu xanh. Nắm cơm làm sao cho vừa vặn, không to không bé, lượng muối vừng không nhạt không mặn… Sau bữa cơm, các anh không cho chúng tôi thu dọn bát đũa mà cứ một hai tranh việc. Khi chúng tôi lấp đầy chiếc bụng đói và rời đi, lúc ấy các anh mới sửa soạn ngồi vào bàn.

Những chiến sĩ luôn mang tinh thần phục vụ

Những chiến sĩ luôn mang tinh thần phục vụ

Các anh bảo, vào bếp dẫu không phải chuyên môn nhưng đi tăng cường nhiều rồi cũng dần quen việc. Ở đây luôn trong cảnh thiếu tiếng nói cười nên khi có đoàn công tác, thấy đông là biết vui. Mà phục vụ vì những niềm vui thì không gì bằng.

Có những ngày biển động, mâm cơm trên tàu còn được khuyến mại thêm cả... nước biển. Chiếc bàn trông kiên cố là thế mà cũng nghiêng ngả, lắc lư làm cơm canh chao đảo, bắn tung tóe. Mỗi người nhanh tay ôm giữ một món. Có khi 15 phút trôi qua cũng chưa thể “ổn định tổ chức” để xới cơm.

Cũng đã đôi lần tiếng “choảng” cất lên, bát đũa, cơm canh xuống sàn “nằm” cả. Và dĩ nhiên sau đó, cả đoàn sẽ được thưởng thức “một bữa cháo thập cẩm” thay cơm.

... Và những chuyện “lạ lùng”

Việc bếp núc đã thấy lạ lùng và hài hước, nhưng sinh hoạt, ăn ngủ trên tàu cũng có thể tập hợp thành những mẩu chuyện “đặc sắc” không kém.

Chiếc giường nửa mét chưa bao giờ thấy rộng đầu rộng đuôi, thừa dọc thừa ngang đến thế. Đặt lưng trên chiếc giường “lạ kỳ” ấy và thức trắng hai đêm liền, một phút trôi qua, tôi đếm được hơn ba mươi nhịp lắc. Cảm giác như từng chiếc xương cọ xuống chiếu trúc trật trầy. Rồi nửa đêm phải bật dậy, nhấc ba bốn chiếc ba lô, vali và các thứ khác lên kín giường để lèn người cho chặt, hy vọng kiếm được giấc ngủ tạm mà cũng chẳng ăn thua.

Đi tắm thì cứ như khiêu vũ, không biết phải bám vào đâu. Có khi thấy phòng tắm đóng cửa lâu quá, anh em thỉnh thoảng gõ gọi vì sợ nhỡ có làm sao. Hóa ra cũng “có làm sao” thật, bởi tàu chao quá, người ở trong suýt khóc vì không thể mặc được quần áo để ra ngoài. Thế là từ đó ngầm truyền nhau kinh nghiệm, đi tắm cứ mang toàn quần ngắn để mặc cho nhanh...

Trên hành trình 15 ngày ấy, sóng biển thì thừa còn sóng điện thoại thì gần như im bặt. Có những đồng nghiệp lần đầu đi biển nên thẫn thờ khi nhìn những cơn sóng dữ dằn cao 7 - 8m trùm bọt trắng xóa lên mũi tàu.

Ở đây chúng tôi không cần đến máy sấy tóc, gió sẽ làm khô nhanh thôi

Ở đây chúng tôi không cần đến máy sấy tóc, gió sẽ làm khô nhanh thôi

Có nữ nhà báo nửa đêm bật khóc vì sau cơn say sóng bỗng nhớ nhà, nhớ con mà không thể nào liên lạc được. Có người còn đi xin cả... dây buộc tóc vì chỉ mang đủ dùng cho 8 ngày như thông báo ban đầu. Oái ăm thay, trong số mấy chục đại biểu nhà báo, chỉ có 7 người là nữ nhưng 5 người đều chả ai để tóc dài quá ngang vai.

Thế là các chàng lính hải quân lại tếu táo, ở đây có tiền tỷ cũng không mua được một chiếc dây buộc tóc, làm cả tổ lại phá lên cười, quên cả những vết trầy xước, thâm tím ê ẩm khắp người...

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp trên nhà giàn DK1

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp trên nhà giàn DK1

Qua ngày hôm sau, khi nhìn thấy nhà giàn DK1 lấp ló trong sóng, nhiều anh chị em ngồi phắt dậy, gọi lớn: “Nhà giàn kia rồi. Nối máy lên thôi anh em ơi”… Thế mới biết say sóng nó lạ lắm. Say rồi tỉnh, tỉnh lại say. Nói như các anh trên tàu hay tếu táo: “Yên tâm đi, chưa thấy ai chết vì say sóng bao giờ”. Chúng tôi lại càng vững tin hơn rằng, khi tàu neo, sẽ bật dậy được để vác máy lên nhà giàn tác nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Cúc

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95248//%E2%80%9Chanh-quan%E2%80%9D-noi-dau-song