Hát Tơm - Hơi thở tâm hồn của người Khơ Mú
Nhắc đến dân ca của người Khơ Mú là nhắc đến những điệu hát Tơm. Mỗi làn điệu đều mang một hơi thở, phản ánh chân thực đời sống tinh thần của đồng bào.
Hát Tơm của đồng bào Khơ Mú là loại hình dân ca tương đối khó, đòi hỏi nhiều yếu tố. Để có thể hát hay, người hát không chỉ có giọng truyền cảm mà còn phải biểu hiện được sắc thái sao cho duyên dáng.
Nội dung của các bài hát Tơm thường gắn với câu chuyện về lịch sử, về cuộc sống của người Khơ Mú. Hát Tơm còn để ca ngợi tình yêu với bản làng, ca ngợi tình cảm anh em, họ hàng, ca ngợi tình yêu đôi lứa.
Khi chàng trai chiếm được cảm tình của một cô gái, chàng trai có thể hát để bày tỏ nỗi lòng của mình.
Theo chị Mo Thị Nhung, thành viên Câu lạc bộ "Giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca Khơ Mú" tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, người Khơ Mú xưa mỗi khi rảnh rỗi là lại ngồi hát Tơm, trò chuyện về những làn điệu dân ca.
"Hát Tơm là một cách kể lại các câu chuyện sinh hoạt đời thường của gia đình, cộng đồng làng bản, là lời chúc phúc cho đôi lứa trong lễ cưới, lễ hỏi, là ước mơ được gửi gắm trong những ngày đầu năm mới… Những dịp Tết đến Xuân về phải có hát Tơm thì mới vui", chị Nhung chia sẻ.
Cũng theo chị Nhung, để hát Tơm thật sự cuốn hút không thể thiếu các nhạc cụ độc đáo được làm từ cây tre, cây nứa…
Người Khơ Mú thường vừa đánh đao vừa hát hoặc hát một đoạn xong sẽ gõ đao, họ sẽ dập vào đùi để có âm thanh theo ý muốn.
Những điệu Tơm mỗi khi vang lên, lúc trầm bổng, lúc sâu lắng, lúc rộn ràng gửi gắm niềm mong muốn của người Khơ Mú về một cuộc sống bình yên, đủ đầy và hạnh phúc.