Hậu Giang: Khởi công cao tốc thứ 2 qua địa bàn tỉnh
Khi cao tốc Châu Đốc Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, tạo ra không gian, nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng 17-6, tại huyện Châu Thành A, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Lễ khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Dự án thành phần 3 đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 37km, với khoảng 260ha đất cần phải thu hồi, ảnh hưởng hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, Hậu Giang đã thu hồi đất cho dự án đạt hơn 84%, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Khi hoàn thành đưa vào khai thác, cao tốc Châu Đốc Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.
Qua đó, tạo ra không gian, nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng để các tỉnh, TP trong khu vực kết nối với cảng biển quốc tế Trần Đề để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đi các nước trên thế giới.
"Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương, đồng thời, kêu gọi bà con nơi có dự án đi qua, tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà thầu thực hiện thi công dự án; sớm đưa dự án vào khai thác.
Tôi cũng yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị tham gia dự án phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể từng hạng mục theo từng tháng. Đặc biệt, phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành bốn dự án thành phần và giao UBND các tỉnh, TP làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư. Trong đó, dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang có chiều dài hơn 57km, dự án thành phần 2 qua TP Cần Thơ có chiều dài hơn 37km, dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Hậu Giang dài khoảng 37km và dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng dài khoảng 57km.
Phát biểu tại Lễ khai mạc từ đầu cầu Sóc Trăng, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, đây là dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. Cụ thể, cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc.
Cạnh đó, được áp dụng các cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
“Việc các địa phương hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian ngắn, đảm bảo điều kiện để khởi công ngày hôm nay khẳng định việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu, công việc tiếp theo còn rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức” - Thứ trưởng Bộ GTVT lưu ý.
Từ thực tiễn triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT lưu ý một số bài học kinh nghiệm để dự án được triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ. Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án; nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường rất lớn; sự quyết liệt tổ chức thi công của chủ đầu tư, của các nhà thầu ngay từ những ngày đầu triển khai dự án...
Nguồn PLO: https://plo.vn/hau-giang-khoi-cong-cao-toc-thu-2-qua-dia-ban-tinh-post738318.html