Hệ lụy thừa cân, béo phì
Theo nghiên cứu thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến trong năm học 2023-2024 tại TPHCM, tỷ lệ thừa cân và béo phì của trẻ từ 5-19 tuổi là 22% và 20%. Đây là vấn đề sức khỏe rất đáng lo ngại, cần sớm được kiểm soát hiệu quả.
Cứ 2 học sinh tiểu học có 1 trẻ thừa cân
Chuẩn bị vào lớp 5, em N.T.L. (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) đã chạm mốc 57kg, cao 1,45m, phổng phao hơn rất nhiều bạn đồng trang lứa. Chị Trần Thị Hương (mẹ của L.) cho biết, ban đầu chị rất vui khi bé ăn ngon miệng. Đến khi giật mình nhìn lại con gái đã tăng cân “vù vù” mất kiểm soát, ngày nào cũng phải ăn thịt chiên hoặc gà rán. Mùa hè này chị Hương quyết tâm gửi con về quê để con được chạy nhảy thoải mái cũng như áp dụng chế độ ăn lành mạnh, nói không với thức ăn nhanh. “Ở thành phố, vợ chồng tôi bận rộn, con đi học từ sáng đến chiều nên cứ nghĩ ăn nhiều mới đủ sức khỏe. Giờ thì nếu không kìm cân nặng, con sẽ mặc cảm khi đến tuổi dậy thì”, chị Hương tâm sự.
Chung một nỗi lo, anh Nguyễn Trí Tuệ (quận Tân Bình) đã đăng ký cho con trai học bơi trong mùa hè. Trước đây cậu bé có thói quen ăn uống rất vội vàng để kịp giờ đến lớp, đặc biệt yêu thích thức ăn nhanh và chơi điện thoại hàng giờ trước khi ngủ. “Tôi nghĩ cho con ăn uống thoải mái là thương con nhưng đến khi bé bị sốt xuất huyết, bác sĩ nói vì thừa cân nên bệnh nặng hơn, tôi rất hối hận”, anh Tuệ bày tỏ.
Theo nghiên cứu thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến trong năm học 2023-2024 trên địa bàn TPHCM vừa được công bố, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi lần lượt là 8,5% và 7%; ở trẻ từ 5-19 tuổi là 22% và 20%. Nghiên cứu được thực hiện trên 1.230 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông tại 8 cơ sở giáo dục được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn thành phố. Trên thực tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng ở học sinh đã được cảnh báo. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng từ 11,1% năm 2017 lên 13,6% năm 2022; ở lứa tuổi học đường tăng từ 41,4% năm 2014 lên 43,4% năm 2020 và cao nhất là học sinh tiểu học - chiếm tỷ lệ 56,9%. Thừa cân, béo phì ở người trưởng thành từ 18-69 tuổi tại TPHCM cũng chiếm tỷ lệ khá cao là 37,1% (năm 2020). Các con số này đều cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước.
Hệ lụy lâu dài
Theo ThS-BS Nguyễn Phương Anh, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện An Bình, ghi nhận lâm sàng cho thấy nhiều học sinh tại TPHCM đến khám thừa cân, béo phì kèm theo biến chứng. Trong đó, có trường hợp bị gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, dấu gai đen (dấu hiệu của tình trạng đề kháng insulin)…
Theo BS Nguyễn Phương Anh, béo phì là một bệnh lý mạn tính, đồng thời là yếu tố nguy cơ dẫn đến hơn 200 bệnh khác nhau như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ, ung thư (đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa)… Đây là gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội do phải tăng chi phí chăm sóc y tế, giảm năng suất lao động, giảm chất lượng cuộc sống. Về tâm lý, trẻ dễ tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dần trở nên thụ động, cô đơn vì không có bạn, dễ dẫn đến trầm cảm.
“Trẻ em béo phì đối mặt với nguy cơ cao bị đái tháo đường trong tương lai, đồng nghĩa với việc phải sử dụng thuốc suốt đời ngay từ khi còn trẻ, rất tốn kém cũng như tạo áp lực không nhỏ cho Quỹ Bảo hiểm y tế. Thực trạng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ em ngay từ hôm nay”, BS Nguyễn Phương Anh phân tích.
Theo PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thừa cân, béo phì đã trở thành “đại dịch” có tính chất toàn cầu, tốc độ tăng theo hình thẳng đứng. Ở các thành phố lớn, trẻ em trong tuổi đi học thường có lối sống tĩnh, ít vận động, thời gian tiếp cận với màn hình nhiều, ngủ ít. PGS-TS Trương Tuyết Mai đề xuất cần có những tác động cụ thể để cải thiện môi trường sống cho trẻ, ví dụ như tạo khoảng không tập luyện thể dục thể thao, đưa thực phẩm lành mạnh và phù hợp đến bàn ăn của trẻ nhỏ ở trường học cũng như gia đình.
“Chúng ta cần hành động ngay vì trẻ em là tương lai của đất nước. Nếu cứ để tốc độ thừa cân, béo phì gia tăng như hiện nay, sau 10 năm nữa tỷ lệ sẽ tăng gấp đôi”, PGS-TS Trương Tuyết Mai khuyến cáo.
Tại TPHCM, các chuyên gia y tế phân tích, sự gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì kèm theo gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm có một phần nguyên nhân từ thói quen ăn mặn, ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực so với khuyến nghị. Các chuyên gia nhận định, TPHCM đang chịu tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường, thực phẩm thay đổi, việc tiếp cận thực phẩm và đồ uống không lành mạnh cũng tăng lên đáng kể cùng với các cửa hàng thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn giá rẻ.
Trong bối cảnh trên, TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng từ nay đến năm 2030, đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi đạt mức nhỏ hơn 14%, trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 40% và người trưởng thành ở mức dưới 35% vào năm 2030. Từ đó, kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực của người dân thành phố.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/he-luy-thua-can-beo-phi-post753796.html