Hệ thống đào tạo ngành Công Thương những năm 1986-1991

Công tác đào tạo của các trường thuộc ngành Công Thương đã góp phần tích cực vào việc tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất, trước hết là cơ cấu các ngành kinh tế, phù hợp với khả năng của đất nước và phù hợp với sự phân công lao động và hợp tác quốc tế.

Nghiệm thu đề tài cấp Bộ mã số B91.22.06 về Đổi mới mục tiêu đào tạo, cơ cấu kiến thức các chuyên ngành của Trường Đại học Thương nghiệp năm 1994

Nghiệm thu đề tài cấp Bộ mã số B91.22.06 về Đổi mới mục tiêu đào tạo, cơ cấu kiến thức các chuyên ngành của Trường Đại học Thương nghiệp năm 1994

Những định hướng lớn

Công tác đào tạo trong ngành Công Thương qua các giai đoạn đều nhận được những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội VI, Đảng xác định: “Chiến lược phát triển khoa học và kỹ thuật, làm luận cứ khoa học cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội... phải lựa chọn và tổ chức áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật thích hợp”.

Kế thừa các quan điểm trên, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) nhấn mạnh: “Khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”.

Nghị quyết số 04 - NQ/ HNTW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đưa ra những chủ trương, chính sách và biện pháp lớn: “Mở rộng giáo dục nghề nghiệp, từng bước hình thành nền giáo dục kỹ thuật trong xã hội, đào tạo lực lượng công nhân lành nghề bậc cao. Xây dựng các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp”.

Đổi mới ở các trường đào tạo ngành Công Thương

Những quyết sách này đã thổi một luồng sinh khí mới vào các trường đào tạo ngành Công Thương. Cụ thể là, đã sắp xếp lại hệ thống trường học hợp lý hơn, trên cơ sở đó, tập trung đầu tư có trọng điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề ở các trường đào tạo được đổi mới, gắn với thực tiễn làm việc ở doanh nghiệp hơn.

Nhiều trường có điều kiện nâng cấp, mở rộng khả năng đào tạo. Trường Trung học Thương nghiệp Đà Nẵng được nâng cấp thành Trường Trung học Thương mại Trung ương II, đồng thời mở rộng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhân viên thương mại cho cả khu vực miền Trung, Tây nguyên; Trường Cán bộ Quản lý Thương nghiệp Trung ương và Trường Dạy nghề Thương nghiệp hợp nhất để trở thành Trường Cán bộ Thương mại Trung ương; Trường Công nhân Kỹ thuật IV hợp nhất với Trường Trung học Hóa chất II để hình thành TrườngTrung học Kỹ thuật Công nghiệp IV; Trường Trung học Thương mại Trung ương III hợp nhất với trường Kinh tế Đối ngoại thành Trường Kinh tế Đối ngoại Trung ương…

Thậm chí, từ những lớp học may thuộc xưởng May 10 cũng được nâng cấp thành Trường Đào tạo Công ty May 10 với nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề chuyên ngành may công nghiệp, và đào tạo cả cán bộ quản lý cấp cơ sở, tổ trưởng sản xuất may công nghiệp phục vụ cho Công ty May 10 và các doanh nghiệp khác trong ngành…

Giai đoạn này, hệ thống đào tạo ngành Công Thương khá đa dạng, có hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề, bồi dưỡng cán bộ. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII), các trường tập trung đào tạo các phân ngành công nghiệp, thương mại thuộc các lĩnh vực: Cơ khí, điện, điện tử, tin học, ô tô, xe máy, luyện kim, hóa chất, địa chất, khai thác khoáng sản, quản trị bán lẻ, nghiệp vụ bán hàng, lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tồn kho, quan hệ kinh tế quốc tế, chính sách thương mại quốc tế, thuế và hệ thống thuế, giao dịch thương mại quốc tế, logistics và vận tải quốc tế, quản lý rủi ro và bảo hiểm, luật thương mại quốc tế… Có thể nói, giai đoạn này, hệ thống đào tạo ngành Công Thương tiếp cận gần hơn với nhu cầu của nền kinh tế.

Công tác đào tạo của các trường thuộc ngành Công Thương đã góp phần tích cực vào việc tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất, trước hết là cơ cấu các ngành kinh tế, phù hợp với tính quy luật về sự phát triển các ngành sản xuất vật chất, phù hợp với khả năng của đất nước và phù hợp với sự phân công lao động và hợp tác quốc tế. Cơ cấu kinh tế đó bảo đảm cho nền kinh tế phát triển cân đối với nhịp độ tăng trưởng ổn định trong suốt chặng đường 10 năm đầu Đổi mới.

Đào Mạnh Đức

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/he-thong-dao-tao-nganh-cong-thuong-nhung-nam-1986-1991-113136.htm