'Hiến kế' hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng

Trên cơ sở gợi mở của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam, các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trọng tâm. Bên cạnh đánh giá đúng, thực chất các thành tựu đã đạt được trong những tháng đầu năm, nhiều đại biểu đã chỉ rõ khó khăn, hạn chế và 'hiến kế' các giải pháp khả thi nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng.

Thúc đẩy tăng trưởng ở các lĩnh vực còn dư địa

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều giữ vị trí cao. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11% trở lên, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2024 phải đạt 10,6% trở lên. Trên cơ sở phân tích đó, đại biểu Lê Minh Nghĩa cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng, trong đó duy trì các dự án sản xuất điện, các dự án may mặc, giày da; tập trung khai thác hiệu quả các dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ tại Khu du lịch Sầm Sơn, Khu du lịch Hải Tiến. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trực tiếp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Trong nửa đầu năm 2024, tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ. Kết quả đó đã đưa Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu NSNN đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy vậy, mục tiêu phấn đấu năm 2024 tăng thu NSNN 10% so với năm 2023, nhiệm vụ thu NSNN cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm là 20.275 tỷ đồng. Theo đó, đại biểu Ngô Đình Hùng cho rằng, các cấp, ngành liên quan cần đánh giá cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất để có phương án thu ngân sách kịp thời; thường xuyên rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn dư địa để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả, thích hợp, chống thất thu NSNN...

Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm với điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa. Ảnh: Minh Hiếu

Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm với điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa. Ảnh: Minh Hiếu

Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh nêu thực tế, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 450 doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất trang phục và ngành giày da, tạo việc làm cho hơn 220 nghìn lao động, đóng góp lớn cho thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu thiếu lao động ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ. Từ thực tế đó, đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, doanh nghiệp và các địa phương cần tiếp tục thực hiện giải pháp thu hút lao động ở ngoài tỉnh, nhất là lao động người Thanh Hóa đang làm ăn xa quê. Mặt khác, doanh nghiệp cần đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất để sử dụng hiệu quả lao động, tạo điều kiện để nâng cao thu nhập mới có thể thu hút được người lao động vào làm việc.

Thực hiện các chính sách đặc thù

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, chăm lo đến đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này đã được triển khai đem lại hiệu quả thiết thực. Đối với tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ, nhằm giúp đồng bào có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, đời sống người dân miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Với mong muốn kéo gần khoảng cách giữa miền xuôi và miền núi, đại biểu Lương Thị Hạnh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS phù hợp theo từng giai đoạn để hỗ trợ cho người dân có cuộc sống no đủ hơn. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn cho đầu tư phát triển y tế, giáo dục và có chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới.

Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn thiếu; sớm triển khai thực hiện các nội dung điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 100/2023/NQ15 của Quốc hội, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho các địa phương nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chính sách dân tộc và miền núi.

Quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm bổ sung chính sách để giải quyết bất cập khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với địa bàn xã đã công nhận đạt chuẩn NTM tại các huyện nghèo. Cụ thể, kéo dài thời gian được thụ hưởng các chính sách đối với các thôn, bản, xã sau khi được công nhận NTM, tạo động lực để cán bộ và Nhân dân tại các vùng khó khăn có thêm nguồn lực duy trì và nâng cao tiêu chí NTM. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành bộ tiêu chí riêng về xây dựng NTM cho các xã thuộc huyện nghèo khu vực miền núi.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/hien-ke-hien-thuc-hoa-cac-muc-tieu-tang-truong-i380111/