Từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ thế nào?

Cần Giờ hiện kết nối với trung tâm TP.HCM bằng cung đường duy nhất đi qua phà Bình Khánh và đường Rừng Sác. Do đó, dự án cầu Cần Giờ và tuyến metro 250 km/h đang được đặt nhiều kỳ vọng.

Đường Rừng Sác chạy xuyên khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

Đường Rừng Sác là tuyến đường bộ duy nhất kết nối từ phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) đến thị trấn Cần Thạnh (trung tâm huyện Cần Giờ). Con đường dài khoảng 36 km, có 4-6 làn xe, chạy xuyên qua khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và cầu Cần Giờ.

Phà Bình Khánh thường xuyên quá tải

Nếu muốn đi từ khu vực các quận trung tâm của TP.HCM đến đường Rừng Sác, người dân hiện bắt buộc phải sử dụng phà Bình Khánh. Do đó, phà được bố trí hoạt động gần như 24/24. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, cuối tuần hoặc ngày lễ, phà thường xuyên quá tải, thời gian chờ có thể kéo dài hàng giờ. Việc phụ thuộc vào phà khiến kết nối giao thông tới Cần Giờ những năm qua thiếu ổn định, từ đó phần nào hạn chế việc thu hút đầu tư vào nơi đây.

Sắp triển khai cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh

Hiện, người dân đang đặt kỳ vọng vào dự án cầu Cần Giờ - kết nối trực tiếp huyện Nhà Bè với Cần Giờ qua sông Soài Rạp. Cây cầu này sẽ thay thế phà Bình Khánh, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ còn khoảng 45-60 phút. Sở Giao thông công chánh TP.HCM (sắp tới được sáp nhập vào Sở Xây dựng TP.HCM) từng cho biết trong quý II sẽ trình 22 dự án quy mô lớn, trong đó có cầu Cần Giờ. Nếu được thông qua, cầu Cần Giờ có thể khởi công vào cuối năm và hoàn thành vào năm 2028.

Dự án metro 250 km/h nối Khu đô thị lấn biển Cần Giờ vừa khởi công

Theo phương án của Vingroup, tuyến metro này sẽ bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến dự kiến liên kết với metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè). Dự án được nghiên cứu thực hiện từ 2031 đến 2050, trong đó giai đoạn đầu xem xét sử dụng buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện. Tuyến metro này cùng với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo Cần Giờ, thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.

Phà Cần Giờ - Cần Giuộc kết nối với Long An

Một hướng kết nối khác với Cần Giờ nếu di chuyển từ khu vực Tây Nam Bộ là phà Cần Giờ - Cần Giuộc, nối xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) với xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), vượt qua sông Soài Rạp. Đây là hạ tầng kết nối trực tiếp duy nhất giữa Cần Giờ và Long An, rút ngắn quãng đường di chuyển từ Cần Giờ đến các tỉnh Tây Nam Bộ mà không cần quay ngược lên trung tâm TP.HCM.

Đề xuất xây nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Rừng Sác

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài khoảng 58 km, đi qua Long An - TP.HCM - Đồng Nai, đóng vai trò là trục kết nối Đông - Tây của khu vực phía Nam. UBND TP.HCM đã đề xuất xây dựng nút giao thông kết nối trực tiếp từ cao tốc Bến Lức - Long Thành xuống đường Rừng Sác tại khu vực xã Bình Khánh. Đây là điểm giao chiến lược, giúp huyện Cần Giờ kết nối nhanh chóng với Long An, Đồng Nai, đặc biệt là sân bay Long Thành mà không cần đi qua trung tâm TP.HCM. Khi cầu Cần Giờ hoàn thành, kết hợp với nút giao này, toàn khu vực Cần Giờ sẽ có một "cửa ngõ thứ hai" đầy tiềm năng, mở ra không gian phát triển đô thị - du lịch - logistics.

Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-trung-tam-tphcm-di-can-gio-the-nao-post1547557.html