Hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Thái Lan và các nước châu Âu:Hành lang an toàn giữa nhiều biến động
Thỏa thuận đầu tiên về tự do thương mại giữa Thái Lan với các nước châu Âu đã được ký kết tại Davos (Thụy Sĩ), kỳ vọng giúp giảm thiểu những bất ổn và rủi ro trong thương mại cho cả hai phía.
Hiệp định Tự do thương mại (FTA) mới mở ra kênh thương mại song phương giữa Thái Lan và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Bốn quốc gia này đã nhập khẩu 1,8 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Thái Lan và xuất khẩu 1,4 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Thái Lan.
Việc xây dựng hiệp định trải qua gần 20 năm, với các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 10-2005, nhưng phải tới tháng 11-2024 mới kết thúc do những thay đổi về chính trị tại Thái Lan. Theo hiệp định được ký kết với sự chứng kiến của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, Thái Lan và EFTA sẽ xóa bỏ hoặc giảm thuế hải quan đối với các sản phẩm công nghiệp và hải sản. Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động trao đổi thương mại thông qua các thủ tục nhanh chóng và các quy tắc minh bạch.
FTA lần này cũng điều chỉnh 15 lĩnh vực, từ thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh, tính bền vững đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh việc thúc đẩy các điều kiện xuất khẩu thuận lợi sang các quốc gia giàu có trong nhóm EFTA, Bộ Thương mại Thái Lan còn đặt mục tiêu khuyến khích đầu tư vào xứ sở Chùa Vàng thông qua các hiệp định thương mại tự do. EFTA nhập khẩu máy móc sản xuất đồ điện tử, thiết bị cơ khí, xe cộ, sản phẩm sắt và linh kiện đồng hồ từ Thái Lan. Một số mặt hàng tiềm năng khác mà quốc gia Đông Nam Á này có thể xuất khẩu là mỹ phẩm, gạo, trang sức… Thông qua các kênh giao thương này, Bangkok kỳ vọng, FTA mới cũng sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tạo hàng trăm nghìn việc làm cho người dân Thái Lan.
Cũng theo các nhà quan sát, các thỏa thuận mở rộng thị trường xuất khẩu lúc này còn được Chính phủ Thái Lan xem là biện pháp phòng ngừa trước những bất ổn trong thương mại, như hàng rào thuế quan từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông chủ mới của Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu để cân bằng thặng dư thương mại với các nước. Trong số các quốc gia có nguy cơ cao bao gồm Mexico, Thái Lan, Slovenia, Áo và Canada. Trong đó, Mexico và Thái Lan đang có mức thặng dư lớn nhất với Mỹ. Một phần thặng dư của Thái Lan đến từ các công ty Mỹ hoạt động tại nước này.
Một số ý kiến cũng nhận định, EFTA mới chỉ là bước khởi đầu trong tham vọng mở rộng các hành lang thương mại của Thái Lan. Bangkok còn đang theo đuổi một kết nối chặt chẽ hơn với châu Âu thông qua một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, cho phép Bangkok tiếp cận nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên. Tiến trình đàm phán FTA Thái Lan - EU được khởi động từ năm 2013, song bị đình trệ do đảo chính ở Thái Lan năm 2014. Sau một thập niên gián đoạn, đến năm 2023, các cuộc đàm phán mới được khởi động lại. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan, với kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều hơn 41 tỷ USD.
Bên cạnh EU, xứ Chùa Vàng lúc này cũng đang trong tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Bhutan, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), và với Canada với tư cách là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thái Lan hiện có 15 hiệp định thương mại tự do với 19 quốc gia, bao gồm 6 hiệp định song phương, 7 hiệp định trong vai trò là thành viên ASEAN, một hiệp định trong ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện thu vực (RCEP) có hiệu lực vào năm 2022.
Rõ ràng, những bước đi tích cực và chủ động của Thái Lan trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này cần thêm những cú huých. Cơ hội hợp tác mới đến từ các FTA sẽ tạo động lực giúp quốc gia Đông Nam Á này hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, đồng thời thuận lợi hơn trong việc duy trì sự ổn định trong thời gian tới.