Hiểu đúng về bảo vệ di sản phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể hay 'di sản sống' có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục.
Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.
Được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể, di sản sống được các cộng đồng và các nhóm tộc người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng, với tự nhiên và lịch sử của họ; hình thành ý thức về bản sắc và sự kế tục trong từng cộng đồng, từng tộc người, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo.
Bởi thế, để bảo vệ các di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản, là điều kiện tiên quyết để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai…
Di sản văn hóa - với tư cách là nguồn tài nguyên nhân văn có hàm lượng trí tuệ cao - có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tiêu biểu là du lịch văn hóa, du lịch di sản. Trên cơ sở kho tàng di sản văn hóa dân tộc, ngành du lịch sẽ tạo ra các loại hình dịch vụ văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, biến di sản thành loại hàng hóa đặc biệt.
Du lịch di sản đồng thời cũng tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân sinh sống quanh di sản văn hóa và các điểm đến du lịch. Gần đây, đã xuất hiện thuật ngữ “kinh tế học di sản” ở Việt Nam, với tư cách là một xu thế mới trong kinh tế thị trường. Đây có lẽ là một trong các nỗ lực đưa di sản gắn liền với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngoài các dự án phát triển, việc đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dưới góc nhìn di sản đô thị và kinh tế học di sản, đã được quan tâm.
Từ năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa trong Luật Di sản văn hóa. Những quy định liên quan di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích bảo vệ di sản sống; bảo đảm sự tôn trọng đối với di sản đã được quy định rõ ràng trong luật, góp phần để cộng đồng và xã hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và cũng ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Đến năm 2005, Việt Nam trở thành một trong 30 quốc gia sớm nhất ký tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và sự đóng góp của di sản vào phát triển bền vững và đa dạng văn hóa ở Việt Nam. Quá trình 18 năm tham gia Công ước 2003, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện Công ước. Sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã bảo vệ và phát huy di sản bằng các chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO; và hai lần Việt Nam đã được bầu làm thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003.
Thế nhưng lâu nay, không ít người đã hiểu một cách sai lệch về các danh hiệu mà UNESCO ghi nhận đối với các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Tiến sĩ Frank Proschan, cố vấn của UNESCO về Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể từng nhiều lần khẳng định: Trong Công ước 2003, di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân.
Có nghĩa là: Không có di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại, mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng tại một quốc gia nào đó. UNESCO không vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho bất cứ di sản nào của bất cứ nước nào, họ chỉ ghi danh di sản thuộc cộng đồng cụ thể mà thôi.
Vì thế, cần phải hiểu cho đúng: UNESCO không vinh danh “Quan họ” mà là ghi danh “Không gian văn hóa quan họ”; không vinh danh “Cồng chiêng” mà ghi danh “Không gian văn hóa cồng chiêng”; không vinh danh “Ca trù” mà là ghi danh “Hát ca trù của người Việt”; không vinh danh “Đạo Mẫu” hay “Hầu đồng”, mà chỉ ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. Nếu có việc tranh cãi, bất đồng, xung đột... về bảo tồn, thực hành di sản (phi vật thể), vi phạm trong quá trình bảo tồn, khai thác, phát huy di sản (vật thể) là UNESCO lập tức thu lại danh hiệu. Và lúc đó, hậu quả thiệt hại về danh tiếng và kinh tế là rất khó lường.
Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân, phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối. Vì thế, những mục tiêu lớn đặt ra chỉ có thể đạt được trên cơ sở một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách do Nhà nước kiến tạo nên và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng xã hội.
Có lẽ vì vậy mà hội thảo “Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm” do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội đồng Anh phối hợp tổ chức hôm 1/12 tại Hà Nội, đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực di sản văn hóa, các nhà quản lý, đại diện các cơ sở đào tạo, cơ quan, tổ chức của Việt Nam và quốc tế..., cùng đông đảo nghệ nhân, cộng đồng sở hữu, giữ gìn và thực hành di sản tại nhiều địa phương.
Từ hội thảo, cách nhìn nhận đối với các chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững; cũng như vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ là tương đối thống nhất.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hieu-dung-ve-bao-ve-di-san-phi-vat-the-post785601.html