Hiệu quả kinh tế xanh nhờ mô hình OCOP
Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Với Hà Nội, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn với chính sách tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm. Trong đó, chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Những con số “biết nói”
So với các địa phương lân cận, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Hiện toàn Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, trong đó có 331 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận.
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Thành phố có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hà Nội có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Hà Nội xây dựng chương trình tổng thể phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.
Chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị” ngày 26/8 vừa qua, ông Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố, đến nay có 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP của trên 650 chủ thể tham gia, trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới, như: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai); miến dong Minh Dương của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức); gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì, rau Văn Đức (Gia Lâm)...
Song song với hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra thị trường thế giới, để các sản phẩm OCOP được đông đảo người dân biết đến, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai trên 100 Điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Trong số đó có trên 20 điểm OCOP gắn với phát triển du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín; du lịch cộng đồng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín…
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc phát triển các Điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống phân phối của Thành phố; đồng thời, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng tới các địa phương khác trong cả nước.
Ứng dụng kinh tế số, phát triển xanh trong sản xuất OCOP
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong hồ sơ đăng ký tham gia chương trình, tại Phiếu đăng ký sản phẩm mới và tại Tài liệu giới thiệu tổ chức, chủ thể OCOP phải trình bày về giải pháp bảo vệ môi trường (xử lý chất thải) khi triển khai sản xuất và các phương án bảo vệ môi trường, đồng thời đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường/đánh giá tác động bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch thu gom rác thải, hệ thống xử lý chất thải... khi tiến hành sản xuất. Đến nay, khi thực hiện chương trình, các địa phương đều bám sát tiêu chí này.
Trong giai đoạn mới, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là mục tiêu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra trong Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi số đã và đang được xem là bệ phóng cho các sản phẩm OCOP trong 5 năm tới với mục tiêu góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trước yêu cầu thực tế trên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội hiện đang tập trung đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị qua việc hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung, an toàn, phát triển sản phẩm chủ lực… thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Các chuỗi liên kết và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm OCOP cũng được xây dựng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cũng cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến năng lực xuất khẩu, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cần thiết phải chuẩn hóa sản phẩm. Khi sản phẩm bảo đảm an toàn chất lượng thì cơ hội đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật sẽ lớn hơn; từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu… Bên cạnh đó, cần hướng đến việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội theo mô hình phát triển kinh tế xanh sao cho đáp ứng kịp thời với nhu cầu và thực tế tiêu dùng của người dân trong nước và cả xuất khẩu.
Thực hiện được vấn đề này, cùng với việc đổi mới mô hình sản xuất thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến thực hiện mô hình “làng nghề xanh”, “làng nghề số”... để phát triển theo mô hình kinh tế xanh và bền vững là hết sức quan trọng. Bởi, khi đã ứng dụng được công nghệ hiện đại vào sản xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng sẽ được xử lý, khi đó việc tăng cường kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề qua các sàn thương mại điện tử sẽ là một hướng đi mới, hướng đi hiện đại và hiệu quả…
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình OCOP theo hướng xanh hóa nông thôn, thời gian tới sẽ tiếp tục được đi sâu và đạt nhiều kết quả cao hơn, rõ nét hơn. Qua đó, trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của Hà Nội khi chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ có các cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá mới.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ có các cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá mới.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-kinh-te-xanh-nho-mo-hinh-ocop-176067.html