Hiệu quả từ mô hình xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác xuất khẩu lao động cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) bước đầu đã giúp người lao động giải quyết được việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện đáng kể.
Chính sách đúng đắn
Vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông đã có báo cáo về hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện.
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 96 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động). Trong đó, giai đoạn 2017 - 2019, có 93 người đi xuất khẩu lao động sang thị trường Ả Rập Xê Út và năm 2022 có 3 người đi xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Đến nay, đã có 81 người xuất khẩu lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út hoàn thành hợp đồng về nước. Ngoài ra, năm 2022 có 2 người lao động của xã Đăk Sao đi làm việc tại nước ngoài dưới hình thức lao động tự do.
Ông Nguyễn Thuận Hóa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông, chia sẻ: “Đời sống của bà con nhân dân địa phương rất khổ cực, quanh năm chỉ biết cày cấy, trồng trọt. Từ quá trình đi tham quan, học hỏi ở các địa phương khác, huyện Tu Mơ Rông nhận thấy việc giải quyết việc làm qua mô hình xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp, chính sách tốt nên chúng tôi đã quyết định triển khai. Bước đầu, mô hình xuất khẩu lao động đã đạt được những hiệu quả rất tốt, những hộ có lao động đi xuất khẩu lao động đã trả hết nợ nần tại Ngân hàng chính sách huyện, xây nhà mới và sắm được công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.
Đời sống người dân được cải thiện
Với những chính sách đúng đắn, chủ động của huyện Tu Mơ Rông, công tác xuất khẩu lao động đã giúp người lao động được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định. Việc liên lạc giữa người lao động và gia đình được duy trì. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm và thường xuyên theo dõi các hoạt động của người lao động tại nước ngoài cũng như khi trở về địa phương sinh sống.
Nhiều hộ gia đình có người tham gia xuất khẩu lao động đã trả được hết nợ ngân hàng. Không những thế, quá trình làm việc ở nước ngoài, những lao động này đã có điều kiện để sửa chữa, xây mới nhà ở, một số lao động đã gửi tiền lương về gia đình để lập sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện.
Đơn cử, hộ Y Thảo (26 tuổi, trú tại thôn Đăk Neang, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông), từ một gia đình thuộc hộ nghèo của xã Tu Mơ Rông, sau quá trình đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, hiện Y Thảo đã giúp gia đình trả nợ, xây nhà mới, mua công cụ phục vụ sản xuất lao động như: máy cưa, máy bào gỗ…giúp gia đình thoát nghèo hoàn toàn.
Trong số 96 lao động của huyện Tu Mơ Rông đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước ngoài, có hộ Y Gia Nhi (28 tuổi, trú tại thôn Mô Bành, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) là một lao động khá đặc biệt. Là một hộ gia đình không mấy khá giả tại xã Đăk Na, khi tham gia xuất khẩu lao động đã giúp gia đình trả hết nợ nần, xây nhà mới.
Đặc biệt, quá trình đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, Y Gia Nhi đã tích góp được một số vốn và nhờ chính quyền địa phương mua 100 cây giống sâm Ngọc Linh để gia đình trồng. Sau khi trở về địa phương, Y Gia Nhi cũng đã mở cho mình được một cửa hàng buôn bán dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm…
Không chỉ hộ Y Thảo, Y Gia Nhi, những hộ đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài như: Y Bên (xã Văn Xuôi), Y Bương (xã Đăk Na), Y Viên (xã Đăk Tờ Kan) cũng là những hộ gia đình được huyện Tu Mơ Rông định hướng và đưa đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, giúp cuộc sống ổn định, cải thiện hơn trước.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, đánh giá: “Mô hình xuất khẩu lao động tại nước ngoài 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Từ mô hình này có thể đánh giá, tỉ lệ người lao động đi xuất khẩu lao động thoát nghèo rất cao, nhiều hộ từ thu nhập đó đã trả hết nợ nần, xây nhà mới và đầu tư mua trâu bò để mở rộng sản xuất. Trong số các lao động đó, có nhiều lao động đã có vốn để trồng sâm Ngọc Linh, mở cửa hàng buôn bán dược liệu quý của địa phương”.