Hiệu quả từ nghề trồng nấm ở Thanh Liêm

Những năm qua, nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu (nấm linh chi) được duy trì và phát triển trên địa bàn huyện Thanh Liêm. Người dân xác định đây là hướng sản xuất đem lại thu nhập chính cho kinh tế hộ.

Trồng nấm ăn và nấm dược liệu trên địa bàn huyện Thanh Liêm đang phát huy hiệu quả ở cả các hộ trồng cũ và mới phát triển. Chị Nguyễn Thị Hồng Lý, thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà tham gia trồng nấm từ năm 2021 đến nay. Chị sản xuất nấm trên diện tích 100m2 ngay tại nhà. Ban đầu chị Lý coi trồng nấm là nghề phụ, nghề chính vẫn là đi làm công nhân cho doanh nghiệp. Dần thấy rõ được hiệu quả của nghề trồng nấm, năm 2024, chị Lý nghỉ việc ở công ty, thuê thêm đất xây dựng lán trại mở rộng diện tích sản xuất lên 700m2. Chị trồng đa dạng các loại nấm, gồm: Nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm, nấm hoàng đế. Trong đó, nấm sò đóng vai trò chủ lực (cả nấm sò trắng và tím), chiếm 70% diện tích sản xuất. Do làm mô hình muộn nên chị Lý không xây lò hấp để làm giống mà hoàn toàn nhập từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện. Chị Lý cho biết: Nghề trồng nấm đang được gia đình duy trì ổn định với 2 lao động làm thường xuyên. Thu nhập từ trồng nấm khá tốt so với các loại cây trồng khác.

Chị Nghiêm Thị Thủy, thôn Vực Trại Nhuế, xã Liêm Cần tham gia trồng nấm ăn, nấm dược liệu từ năm 2013. Ban đầu, chị Thủy tham gia Đề án phát triển trồng nấm ăn của tỉnh, diện tích lán trại sản xuất 300m2. Chị Thủy đầu tư lò hấp để chủ động sản xuất giống nấm ngay tại nhà. Chị lựa chọn sản xuất các loại nấm phù hợp với điều kiện khí hậu, kỹ thuật trồng không đòi hỏi cao để phát triển, như: mộc nhĩ, nấm sò, nấm linh chi, nấm rơm… Đến nay, mô hình trồng nấm của chị Thủy đã được mở rộng lên khoảng 1.000m2 với 3 khu lán trại. Ngoài nấm thương phẩm, hàng năm gia đình chị còn sản xuất hàng vạn bịch giống nấm các loại cung cấp cho người trồng trong và ngoài tỉnh. Mô hình trồng nấm của chị Thủy tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động. Theo chị Thủy: Trồng nấm ăn và nấm dược liệu khi đi vào ổn định đem lại hiệu quả cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khá rộng, sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy. Gia đình đang tính toán mở rộng diện tích sản xuất các loại nấm ăn do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lý, xã Thanh Hà kiểm tra bịch nấm sò chuẩn bị cho thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lý, xã Thanh Hà kiểm tra bịch nấm sò chuẩn bị cho thu hoạch.

Tại huyện Thanh Liêm, nghề trồng nấm ăn được duy trì khá tốt trong nhiều năm nay. Toàn huyện hiện có gần 10 cơ sở, phần lớn đều đảm bảo sản xuất theo quy trình khép kín từ làm giống đến nuôi nấm thương phẩm. Nhiều nhất là tại xã Liêm Cần (có 6 hộ), các cơ sở còn lại nằm rải rác tại một số địa phương. Nấm ăn và nấm dược liệu sản xuất tại huyện đã khẳng định được chất lượng, tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài tỉnh; trong đó có đến 40 – 50% sản lượng nấm ăn được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Sản phẩm nấm sò của cơ sở anh Vũ Mạnh Trung, xã Thanh Thủy đã được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), xếp hạng 3 sao. Về hiệu quả, trồng nấm cho giá trị và thu nhập cao hơn từ 3 – 5 lần so với cấy lúa. Tính công của lao động trồng nấm, bình quân đạt 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Có thể tận dụng được lao động cao tuổi cho khâu đóng bịch làm giống, tưới, thu hoạch… Sản xuất nấm giúp tận dụng được một phần phụ phẩm nông nghiệp (rơm) để làm nấm rơm, nấm sò rơm… Đánh giá về nghề trồng nấm trên địa bàn, bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Liêm cho biết: Nghề trồng nấm tại huyện đã duy trì ổn định được hơn 10 năm. Các cơ sở trồng đều mở rộng được diện tích sản xuất và trồng đa dạng các loại nấm theo nhu cầu thị trường. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp trong điều kiện đồng đất địa phương khó áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp khác.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại Thanh Liêm vẫn còn những hạn chế. Đó là: Các cơ sở chưa có sự liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thị trường tiêu thụ chủ yếu là thị trường tự do, chưa ký hợp đồng cung cấp ổn định cho các đầu mối, chuỗi cửa hàng hay hệ thống siêu thị với số lượng lớn; đa phần các loại nấm ăn vẫn nằm ở phân khúc trung bình, chưa làm được các loại nấm cao cấp có giá trị kinh tế cao…

Để nghề trồng nấm tại địa phương thực sự phát huy hiệu quả, cùng với sự mạnh dạn đầu tư của các cơ sở, người trồng nấm mong muốn nhận được sự hỗ trợ hơn nữa từ các cấp chính quyền, ngành chức năng về kỹ thuật, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Việc tạo ra sản phẩm chất lượng và thị trường ổn định giúp sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người trồng nấm trên địa bàn.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nganh-nghe-nong-thon/hieu-qua-tu-nghe-trong-nam-o-thanh-liem-160641.html