Hiệu quả từ phát triển cây chè gắn với du lịch
Là tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, Phú Thọ có nhiều lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển cây chè. Trong chiến lược phát triển, tỉnh Phú Thọ xác định chè là cây trồng thế mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Phú Thọ đã và đang thực hiện những chương trình hỗ trợ phát triển cây chè gắn với du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống người dân.
Vùng đất nơi đây có vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, bình yên cùng những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Mường, Dao… Chính bởi vẻ đẹp nguyên sơ ấy đã hấp dẫn rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là chương trình khám phá đồi chè xã Long Cốc, xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn).
Những đồi chè hình bát úp xanh ngát, nhấp nhô như những con sóng uốn quanh hồ nước trong mát. Mùa hè là mùa đẹp nhất của đồi chè, luôn nhộn nhịp các đoàn khách chụp ảnh quay phim, từ những bức ảnh chụp đồi chè Long Cốc đoạt các giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế mà hình ảnh đồi chè trung du được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.
Long Cốc là xã khu vực II thuộc huyện miền núi Tân Sơn với đa số đồng bào dân tộc Mường sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng và chế biến chè. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 201/830 hộ, chiếm 24,21%. Những năm gần đây, nhờ thay đổi trong phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nên sản phẩm chè của Long Cốc đã thực sự giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo.
Hiện nay xã đã có hơn 692ha chè, trong đó 657ha chè đang cho thu hoạch với năng suất 14,25 tấn/ha. Cây chè mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương. Người lao động khi sản xuất và chế biến chè mỗi tháng có thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 8,22% (năm 2020). Một số nhà đầu tư, Hợp tác xã đã giúp xã kết nối người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập cho người trồng chè. Mục tiêu của mô hình là hướng người dân sản xuất và chế biến chè an toàn, chè sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu chè hữu cơ của Long Cốc nhằm tăng thu nhập cho người trồng chè và có sản phẩm tốt cung cấp cho xã hội.
Xuất phát từ định hướng chiến lược xác định cây chè là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế cho đồng bào. Tính đến nay, toàn xã Long Cốc có 678 ha chè. Sản lượng chè búp hàng năm khoảng 10.000 tấn. Nhờ ứng dụng công nghệ trồng chè sạch, nhiều hộ gia đình người dân tộc Mường ở xã Long Cốc đã thoát nghèo.
Cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 80 km về hướng Đông Nam, đồi chè Mỹ Thuận thuộc địa bàn xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Miền đất sơn cước Mỹ Thuận với những đồi chè xanh bát ngát nối tiếp nhau trải dài tít tắp. Với tuổi đời hơn 30 năm tuổi, đồi chè Mỹ Thuận có diện tích rộng lớn khoảng 600 ha, đồi chè Mỹ Thuận là điểm du lịch lý tưởng bởi không gian xanh ngát của hàng ngàn, hàng vạn cây chè và cảnh quan tự nhiên hùng vĩ.
Vào những tháng cuối năm là thời điểm đẹp nhất của đồi chè, khung cảnh thiên nhiên trở nên đẹp rực rỡ. Trong ánh nắng ban mai, những lá chè non mơn mởn bừng sáng trong làn không khí mát lành, tinh khiết, hay khi hoàng hôn buông xuống, cả đồi chè được bao phủ bởi màn sương mờ ảo càng làm cho bức tranh thiên nhiên thêm tuyệt đẹp.
Đồi chè Mỹ Thuận cũng là nơi có diện tích trồng chè chất lượng cao của tỉnh. Cây chè có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè đem lại giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu và thu nhập ổn định cho người dân. Năng suất chè đến nay đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm. Các giống chè chủ lực được trồng thâm canh như PH1, LDP1, LDP2... trồng ở vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè đen xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh... Đến nay, nhiều giống chè mới chất lượng đã được trồng thay thế, trồng bổ sung ở các vùng quy hoạch của tỉnh để phục vụ cho phát triển chế biến chè xanh.
Hiện nay, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” tập trung ở các địa bàn trọng điểm. Đây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng và tiến tới sản xuất chè hữu cơ.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Sơn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung. Trong năm 2023, huyện Tân Sơn được đầu tư với tổng vốn đầu tư giai đoạn này là trên 343,5 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 312 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh trên 31 tỉ đồng. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm tạo ra sự kết nối giao thông giữa các địa phương, thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh sản xuất nhằm phát triển hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của huyện, trong đó phát triển cây chè là sản phẩm chủ lực gắn với thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.