Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ phai trong trái tim gia đình Biệt động Sài Gòn

Từ khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, gia đình tôi cảm thấy như vừa mất đi một người thân, các gia đình Biệt động Sài Gòn khác cũng vậy. Những lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi trong cuốn Sổ lưu niệm ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được đọc lại rất nhiều lần cho mọi người cùng nghe…

Để tỏ lòng tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các địa điểm di tích lịch sử của Biệt động Sài Gòn như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định; Hầm chứa vũ khí bí mật đánh trận Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay); Quán cà phê - cơm tấm Đỗ Phủ... đã treo cờ rủ trước cổng.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Tôi có ý nguyện muốn thăm và báo công với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lời hứa thành lập hệ thống di tích và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ước nguyện đó đã không thực hiện được nữa, khi Tổng Bí thư từ trần, để lại khoảng trống mênh mông, nỗi buồn đau vô hạn.

Lúc này, tôi lại nhớ tới chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập của ba tôi – Anh hùng LLVT, chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai) trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi và là niềm vinh dự của cả gia đình.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Đó là buổi sáng 31-1-2018, đang dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân thì gia đình tôi nhận được tin là sẽ có một vị khách đặc biệt đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Chúng tôi chỉ ngờ ngợ biết được sẽ có đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến thăm.

Thật bất ngờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đã đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí và ém quân của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Khi đoàn vừa đến hầm di tích, Tổng Bí thư tuy tuổi đã cao nhưng bước xuống xe bằng tác phong nhanh nhẹn, ông lập tức ân cần thăm hỏi với sự trân quý từng nhân chứng sống của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Tổng Bí thư nắm tay thật chặt những nữ giao liên quả cảm, những người phụ nữ huyền thoại này đã góp công lớn vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đó là nữ giao liên Hai Phiên (Dương Thị Phiên), đó là mẹ tôi, bà Đặng Thị Thiệp (nữ giao liên), đó là nữ giao liên Nguyễn Thị Ngọc Huệ… Điều đó cho thấy Tổng Bí thư dành sự trân trọng sâu sắc cho những người nữ giao liên, những “bông hồng thép” đã không ngại hiểm nguy, gian khổ, tận tụy cống hiến hy sinh cho cách mạng, cho cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ đến ngày toàn thắng, lập lại hòa bình quý giá cho dân tộc.

Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe nhân chứng sống - ông Phan Văn Hôn, kể lại trận chiến đấu vào đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân. Đội 5 của ông Hôn gồm 15 người tập kết tại hầm chứa vũ khí bí mật của Anh hùng Trần Văn Lai, nhận vũ khí đi tấn công mục tiêu Dinh Độc Lập. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, lực lượng Biệt động đội 5 anh dũng chiến đấu chống lại lực lượng đông đảo, vũ khí tối tân của địch, kéo dài đến trưa mồng 3 Tết thì 8 chiến sĩ hy sinh, 7 chiến sĩ còn lại bị bắt.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi gia đình Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi gia đình Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Tôi ấn tượng trước tấm lòng gần gũi, thân tình, tác phong giản dị và xem tất cả mọi người như người thân của Tổng Bí thư. Dù tuổi tác đã cao, bận nhiều công việc, nhưng ông không đi thăm qua loa, chiếu lệ, mà ông thực sự quan tâm, thăm hỏi với sự trân trọng, thân tình nhất.

Tôi nhớ mãi hình ảnh cố Tổng Bí thư nâng niu từng món kỷ vật tại căn hầm di tích. Đặc biệt, Tổng Bí thư thăm hỏi chi tiết, cặn kẽ và ngạc nhiên khi biết gia đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc từ hơn 50 năm trước. Cụ thể, ông hỏi han bộ hạc đồng, do chính ba tôi – ông Trần Văn Lai trước đây dùng để đúc ra những hạt nhựa làm màn treo trang trí trong Dinh Độc Lập.

Tổng Bí thư cũng đánh giá cao khu di tích lịch sử của Biệt động Sài Gòn được phục dựng nguyên vẹn ngay trong lòng thành phố, là điều hiếm có trên thế giới. Sự thấu hiểu, khen ngợi của Tổng Bí thư khi ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho gia đình tôi tiếp tục công tác tìm kiếm, chuộc lại nhiều căn nhà khác từng là nơi hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn để phục dựng thành chuỗi di tích lịch sử.

 Bút ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Bút ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Sau khi đi tham quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại bút ký, trong đó có đoạn: “Đến thăm gia đình cố Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai, một trong những cơ sở tiêu biểu nhất nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, hầm chứa vũ khí, khí tài phục vụ đắc lực cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào Dinh Độc Lập của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; được chứng kiến những hiện vật tại di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn bất diệt”.

Những nét chữ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại ấn tượng không bao giờ phai nhòa trong lòng tôi và những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn còn sống. Tôi nguyện sẽ cùng các cô chú Biệt động và chính quyền địa phương tiếp tục công việc tìm kiếm, lưu trữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật về lịch sử hào hùng của dân tộc, như trong bút ký mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại: “Tôi hoan nghênh Đảng bộ chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã giữ gìn, lưu giữ những kỷ vật trưng bày vô cùng quý giá này. Mong rằng chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư, tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia này không chỉ là nơi mang ý nghĩa lịch sử chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Xin được kính cẩn nghiêng mình trước một nhà lãnh đạo có đức, có tài, một đời vì đất nước, vì nhân dân.

Anh Trần Vũ Bình (tên thật là Trần Kiến Xương) hiện là Phó chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trưởng đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh. Sau gần 30 năm, anh đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật về lực lượng Biệt động Sài Gòn và đang được trưng bày tại hệ thống di tích và bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

TRẦN VŨ BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hinh-anh-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-khong-bao-gio-phai-trong-trai-tim-gia-dinh-biet-dong-sai-gon-786382