Hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh dạy thêm

Bạn Hồng Ngọc (Hà Nội) hỏi: Tôi là giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở. Sắp tới tôi muốn mở lớp dạy thêm tại nhà riêng với sĩ số khoảng hơn 10 học sinh một lớp. Xin hỏi, theo quy định mới, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với ai? Báo cáo nội dung gì? Điều kiện, thủ tục đăng ký dạy thêm, học thêm như thế nào?

Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.

Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.

- Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

Như vậy, theo quy định nêu trên, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường muốn tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường. Nội dung báo cáo gồm: Môn học dạy thêm; Thời gian tham gia dạy thêm; Hình thức dạy thêm; Địa điểm dạy thêm.

Cũng tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau: Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

Theo đó, từ ngày 14/2/2025, giáo viên có tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Và việc đăng ký kinh doanh dạy thêm có thể thực hiện đăng ký theo một trong các loại hình kinh doanh gồm: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Trường hợp của bạn muốn mở lớp dạy thêm quy mô hơn 10 học sinh một lớp nên phù hợp với loại hình hộ kinh doanh.

Căn cứ Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh. Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh. Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Sau khi chuẩn bị các loại giấy tờ nêu trên, cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình có thể chọn 1 trong các phương thức sau để nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ trực tiếp/qua bưu điện đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh. Nộp online trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về thời gian làm thủ tục, theo khoản 3 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Như vậy, để đăng ký kinh doanh dạy thêm bạn cần thực hiện theo những hướng dẫn như đã nêu ở trên.

Lưu ý, căn cứ theo quy định Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, có 3 trường hợp không được dạy thêm bao gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Do đó, bạn không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà bạn đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thương Thương - Quốc Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ho-so-thu-tuc-thuc-hien-dang-ky-kinh-doanh-day-them-post537631.html