Hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam xả lũ đề phòng ngập nhà ven sông Sài Gòn
Cơ quan chức năng tiến hành xả lũ tại hồ Dầu Tiếng, đây là hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam. Dù khẳng định sẽ không gây ngập úng song để chủ động phòng tránh rủi ro, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương cảnh báo đến các địa phương ven sông Sài Gòn.
Ngày 5/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương thông báo về việc vận hành thử tràn xả lũ hồ Dầu Tiếng mùa lũ năm 2024.
Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên khai thác Thủy lợi Miền Nam vận hành thử thiết bị cửa van các khoang số 2,3,4,5,6 xả nước qua tràn xả lũ hồ Dầu Tiếng.
Thời gian xả trong ngày 5/9, lưu lượng xả từ 36 m3/s đến 100 m3/s. Với lưu lượng xả như trên, cơ quan chức năng khẳng định sẽ không gây ngập úng các xã, phường ven sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương thông báo để Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven sông gồm huyện Dầu Tiếng, TP.Bến Cát, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và Trung tâm Đầu tư, khai thác Thủy lợi và Nước sạch nông thôn được biết để chủ động phòng tránh.
Trước đó, không ít lần nhà dân tại các địa bàn ven sông Sài Gòn bị ngập. Người dân cho rằng, ngoài mưa lớn, việc xả lũ hồ Dầu Tiếng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa, nhiệm vụ của hồ là phải xả trong mùa mưa để bảo vệ an toàn hồ. Công ty vận hành theo quy trình, có thông báo trước cho địa phương và có cảnh báo.
Với diện tích mặt khoảng 270 km2, hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Theo báo cáo, mưa kèm dông lốc chiều 4/9 trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có thiệt hại về người, tuy nhiên, gió giật mạnh đã làm tốc mái nhiều nhà dân, gãy đổ hàng chục cây xanh, hư hỏng công trình và gây ngập úng cục bộ.
Tại TP.Thủ Dầu Một có 13 cây xanh và một số cột điện bị ngã đổ; TP.Tân Uyên, ngập 2,85 ha lúa, hư hỏng 3 bảng hiệu, 1 trụ đèn đường; huyện Bàu Bàng có 2 căn nhà bị tốc mái; huyện Phú Giáo có 4 nhà màng trồng dưa lưới bị tốc mái, ngã đổ 14 cây xanh đè lên nhà ở.