Hỗ trợ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chuyển đổi xanh tạo nền tảng giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không phải dễ dàng, khi bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép lớn về nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, nhân sự… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA).

Sản xuất xanh, phát triển bền vững là đang xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu và đây cũng là định hướng của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, thưa ông?
Mục tiêu tăng trưởng xanh, doanh nghiệp chuyển đổi xanh là hoàn toàn đúng hướng. Nếu không có sự thay đổi “thì sẽ chết”, sẽ không có cơ hội để gia nhập thị trường thế giới. Đến nay, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, rất nhiều cơ hội ra thị trường nước ngoài, nhưng thực tế cũng gặp nhiều khó khăn. Các thị trường lớn hướng tới tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, ít thâm dụng lao động, và hướng các doanh nghiệp toàn cầu theo các tiêu chí này.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, phát triển xanh đã là một tiêu chí trong hành động của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp và các đối tác đều phải thực hành nó, đó là tiêu chí về Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG). Chính vì vậy, nếu không chuyển đổi và thực hành nó, doanh nghiệp Việt sẽ không có cửa tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Vậy, theo ông, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có những bước chuyển đổi xanh như thế nào?
Quá trình chuyển đổi xanh đặt ra nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn vốn tài chính, công nghệ, đến hạn chế về nhân lực trong tiếp cận công nghệ và chuyên môn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp muốn có “giải pháp dùng chung”, hoặc cơ chế chia sẻ trong quá trình đầu tư chuyển đổi xanh.
Mục tiêu và hành động chuyển đổi xanh được các doanh nghiệp cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng nhận thức khá đầy đủ, bởi đó chính là đòi hỏi tất yếu của khách hàng, của thị trường. Hơn nữa, chuyển đổi xanh hiện được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng như một “hàng rào kỹ thuật”, yêu cầu về sản phẩm xanh như là một trong tiêu chí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được đưa ra trong điều kiện nhu cầu thị trường giảm.
Các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh sản xuất, xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực từ công nông nghiệp, điện tử, hàng tiêu dùng, may mặc, giày da… đã và đang nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh để có thể tồn tại và phát triển theo kịp xu hướng chung của thế giới.

Thực tế hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh là nhỏ và vừa, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Nhằm hỗ trợ họ, thành phố có kế hoạch hành động cụ thể gì, thưa ông?
Vấn đề quan trọng, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, ngoài chủ trương chính sách chung của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh cũng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng. Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép khởi động lại chương trình kích cầu và Nghị quyết 09 của HĐND thành phố về chương trình kích cầu đã có các nội dung về chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, những doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đầu tư chuyển đổi số cũng sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất từ nguồn vốn của thành phố.
Mới đây nhất, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành quyết định thành lập Hội Doanh nghiệp Xanh TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Hội hướng đến mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp cung cấp các loại hình dịch vụ và sản xuất sản phẩm sạch, xanh, có trách nhiệm với môi trường; thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp xanh và tăng cường nhận thức về bảo vê môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.…
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng một mạng lưới kết nối các doanh nghiệp sản xuất xanh với các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn như Satra, Saigon Co.op và nhà phân phối có vốn nước ngoài chiếm thị phần lớn, có mạng lưới bán hàng rộng khắp cả nước để giúp doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất.
Xin cảm ơn ông!
TP. Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng 3 trụ cột lớn hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh. Đó là: Khung pháp lý (xây dựng khoảng gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất); Bộ tiêu chí đo lường được (trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… từng phân xưởng, nhà máy, gia đình, phải đo lường được phát thải để điều chỉnh); Mô hình mẫu, một địa phương xanh (Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, trường học, công trình, bệnh viện, trường học xanh…