Tận dụng thuế cơ sở 10% vào Mỹ, dệt may 'chóng mặt' với tiến độ giao hàng

Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang tích cực xử lý đơn hàng, nhưng kế hoạch giao hàng chịu nhiều biến động khi một số khách hàng tạm dừng đơn hàng, hoặc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tranh thủ mức thuế 10%.

Thời hạn 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng nhập khẩu vào Mỹ đến nay đã qua 1 nửa thời gian. Từ nay tới ngày 10/7, có thể Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán của Bộ Công Thương và Chính phủ. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may đang tích cực xử lý đơn hàng, song kế hoạch giao hàng cũng chịu nhiều biến động khi một số khách hàng tạm dừng đơn hàng, hoặc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giao hàng tranh thủ mức thuế 10%.

Hiện nhiều DN trong ngành dệt may đang tích cực xử lý đơn hàng xuất khẩu

Hiện nhiều DN trong ngành dệt may đang tích cực xử lý đơn hàng xuất khẩu

Liên quan đến các đơn hàng mới từ khách hàng Mỹ từ tháng 8 này trở đi, ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết tình hình đang diễn ra rất chậm, thậm chí có trường hợp ngưng hẳn. Nguyên nhân chủ yếu do khách hàng cần theo dõi và đánh giá lại tình hình mua hàng, tiêu thụ, tồn kho và các tác động từ chính sách thuế mới.

“Hiện tại các đơn hàng xuất sang Mỹ từ tháng 8 trở đi của Hòa Thọ giảm mạnh. Nhiều khách hàng đã cắt giảm số lượng đơn hàng so với dự kiến hoặc đàm phán với mức giá giảm sâu. Một số khách hàng quyết định chuyển đơn hàng sang nhà máy tại Bangladesh hoặc giữ sản xuất tại Trung Quốc. Bộ phận kinh doanh đang tiếp tục tập trung khai thác sâu hai thị trường EU và Nhật Bản, vừa duy trì khách hàng cũ vừa mở rộng tìm kiếm khách hàng mới”, ông Bình chia sẻ.

Đối với các yêu cầu giao hàng sang thị trường Mỹ trong giai đoạn dừng áp thuế 90 ngày, ông Bình thông tin một số khách hàng yêu cầu giao hàng chậm nhất vào ngày 6/6/2025 để đảm bảo hàng hóa đến Mỹ trước ngày 10/7/2025, thậm chí đã tính đến phương án vận chuyển tới cảng gần nhất để rút ngắn thời gian thông quan và vận chuyển nội địa.

Một số khách hàng yêu cầu giao hàng chậm nhất vào ngày 8/7/2025, còn lại là nhóm khách hàng không thay đổi kế hoạch giao hàng đã được xác nhận từ trước tháng 3/2025 cho các lô hàng đến tháng 7. “Tuy nhiên, các yêu cầu này liên tục thay đổi, có thời điểm khách hàng thúc đẩy tăng tốc sản xuất, nhưng sau đó lại yêu cầu tạm dừng, buộc Hòa Thọ phải theo dõi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất hàng ngày”, ông Bình cho hay.

Tương tự tại Tổng công ty May Hưng Yên, các khách hàng cũ của thị trường Mỹ có xu hướng giảm đơn hàng. Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, một số khách đang đặt hàng tại Trung Quốc có hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Ngoài ra, thị phần từ các thị trường khác như Australia, Anh và châu Âu cũng đang có xu hướng tăng lên và chuyển dịch dần sang Việt Nam. Đối với khách hàng Hàn Quốc, dù đơn hàng không lớn nhưng hiện đơn vị vẫn phải tiến hành đàm phán giảm giá nhẹ, dự kiến chia sẻ vào khoảng 1%. May Hưng Yên nhận định nhu cầu và đơn giá vẫn có khả năng giảm nhẹ trong tháng 9 và tháng 10, nhưng mức giảm không lớn.

“Từ nay đến hết tháng 7, đặc biệt trong tháng 6 và đầu tháng 7 tình hình sản xuất của May Hưng Yên khá căng thẳng. Nguyên nhân là do khách hàng yêu cầu giao hàng đúng tiến độ, không chấp nhận lùi lịch như các năm trước. Việc chậm trễ giao hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển và thời gian, vì vậy trong thời gian này, toàn bộ hệ thống sản xuất đang phải tập trung cao độ để hoàn thành các đơn hàng”, bà Hoa thông tin thêm.

Tiến độ giao hàng theo yêu cầu của đối tác luôn thay đổi tranh thủ mức thuế cơ sở còn thấp

Tiến độ giao hàng theo yêu cầu của đối tác luôn thay đổi tranh thủ mức thuế cơ sở còn thấp

Tăng cường liên kết chuỗi

Nhận định về thị trường xuất khẩu dệt may thời gian tới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, từ nay tới 10/7 điểm tích cực là tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý III/2025 có thể vẫn tốt, nhưng quý IV/2025 có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm. Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng của quốc gia này có thể bị giảm khoảng 5% trong năm 2025.

Cùng với đó, các chính sách đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo nhóm mặt hàng, do đó có thể có cơ hội đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam. Ngoài ra, để giảm các áp lực từ phía khách hàng, các DN cũng cần đàm phán lại với các đơn vị cung cấp trong chuỗi cung ứng như vải, nguyên phụ liệu, vận tải - logistics nội địa… san sẻ khó khăn cùng DN.

“Để vượt qua được giai đoạn khó khăn này, các DN trong hệ thống của Vinatex cần tăng cường liên kết chuỗi, xây dựng và chia sẻ danh mục nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước đối với các đơn vị ngành may, nhằm nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên phụ liệu trong nước khi xuất khẩu sang Mỹ. Khi tình hình đơn hàng còn thuận lợi, các DN cần tối ưu hóa lợi nhuận, phấn đấu hoàn thành 2/3 kế hoạch lợi nhuận trong năm 2025 ngay trong 6 tháng đầu năm, để dự phòng cho tổ chức sản xuất, cũng như tránh các rủi ro về câu chuyện thuế quan của nửa cuối năm 2025”, ông Lê Tiến Trường lưu ý.

Trong tháng 4/2025 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế đến 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ. Một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có sự tăng trưởng, riêng thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm do chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng sợi để sản xuất vải.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tan-dung-thue-co-so-10-vao-my-det-may-chong-mat-voi-tien-do-giao-hang-post1202592.vov