Hỗ trợ giảm nghèo có điều kiện

Sau nửa chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước đã giảm 1- 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%). Với kết quả đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, ước tính đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ còn khoảng 0,9%.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khai hoang ruộng trồng lúa để bảo đảm lương thực tại chỗ. Ảnh minh họa: TTXVN

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khai hoang ruộng trồng lúa để bảo đảm lương thực tại chỗ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Chương trình thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước. Nguồn lực của Chương trình đã tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; riêng các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Mặc dù vậy, Bộ LĐTBXH thừa nhận, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhiều hộ gia đình dễ rơi vào tình trạng tái nghèo sau một biến cố như thiên tai, dịch bệnh, đau ốm... Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điểm nghẽn lớn để đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình là giải ngân thấp. Giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2021 hầu như chưa triển khai. Năm 2022, vốn đầu tư phát triển giải ngân được 45,72%; vốn sự nghiệp chỉ giải ngân được 34,35%. Mặc dù nguồn vốn năm 2022 đã được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2023, nhưng kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm rất thấp (vốn đầu tư phát triển đạt 4,73%; vốn sự nghiệp đạt 12,82%)...

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình sinh kế ở các địa phương trong thời gian qua vẫn theo cách làm cũ, đầu tư manh mún, nhỏ giọt, cùng với việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến kết quả giảm nghèo còn thấp. Chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách thực hiện Chương trình chưa tương xứng so với nhu cầu thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, cần lồng ghép các nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn. Đồng thời xác định, vốn của Chương trình là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu, tập trung vào những vấn đề đang bức xúc, cấp thiết nhất, ưu tiên hỗ trợ cho những chủ thể có khả năng phát triển sản xuất. Điều này có nghĩa là Chương trình không còn chính sách cho không mà chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Qua đó, thu hút được nhiều người nghèo chủ động tham gia đầu tư sản xuất và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Còn với các hộ nghèo không có khả năng lao động và thoát nghèo, các cơ quan sẽ nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí để họ có mức sống không thấp hơn hộ nghèo...

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, để Chương trình bám sát được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững và hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo, các địa phương cần cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai. Quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể, người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cùng với đó, Bộ LĐTBXH sớm hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ho-tro-giam-ngheo-co-dieu-kien-post469523.html